Cầu phao qua sông Tả Trạch ngừng hoạt động

Ngày 11-12, UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay gây sạt lở nghiêm trọng phần đường dẫn bê tông phía bờ Nam cầu phao bắt qua sông Tả Trạch (nhánh sông Hương) khiến đơn vị quản lý phải cắt cầu, ngừng hoạt động.
Cầu phao qua sông Tả Trạch ngừng hoạt động

(SGGPO).- Ngày 11-12, UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lũ từ đầu tháng 12 đến nay gây sạt lở nghiêm trọng phần đường dẫn bê tông phía bờ Nam cầu phao bắt qua sông Tả Trạch (nhánh sông Hương) khiến đơn vị quản lý phải cắt cầu, ngừng hoạt động.

Cầu phao qua sông Tả Trạch ngừng hoạt động vì sạt lở bờ sông

Dự kiến hết mùa mưa lũ năm 2016, đơn vị quản lý mới tiến hành sửa chữa để cầu phao hoạt động trở lại nên việc đi lại của người dân trong vùng hiện rất khó khăn.

Cầu phao dài 160m, rộng 2,5m xây dựng với kinh phí 2,3 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ năm 2013, nối liền xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà và các xã Thủy Bằng, Dương Hòa của thị xã Hương Thủy. Cầu thiết kế với hệ thống phao bằng thùng phuy phía dưới, mặt cầu lót bằng tấm sắt dày, hai bên có lan can bảo vệ, cho phép người và xe máy qua lại.

Cùng ngày, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 70km bờ sông Hương và sông Bồ bị sạt lở do mưa lũ. Đặc biệt, triều cường và mưa lũ từ đầu tháng 12 còn khiến bờ biển trên địa bàn xuất hiện 10 điểm sạt lở lớn, kéo dài 30km, chủ yếu từ Thuận An (huyện Phú Vang) đến thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc).

Tại bờ biển Vinh Thanh, sạt lở ăn sâu vào đất liền hơn 10m, con đường dọc theo đó với nhiều hàng quán phục vụ du lịch đã bị sóng biển đánh sụp. Tại xã Vinh Hải, nước biển ăn sâu, tràn vào nội đồng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Một vị trí sạt lở bên bờ sông Hương

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế, đi kiểm tra thực tế và yêu cầu hai huyện Phú Vang và Phú Lộc chủ động tiến hành di dân, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân ở những nơi sạt lở. Trước mắt, huy động các lực lượng biên phòng, dân quân và người dân tập trung khắc phục các điểm bị sạt lở nặng, bằng các biện pháp chồng bao cát, gia cố nền đất, trồng cây... Lâu dài phải xây dựng đê, kè chống sạt lở.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục