Cầu truyền hình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức cầu truyền hình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ tại 5 điểm cầu: Cao Bằng (khu rừng Trần Hưng Đạo), Hà Nội (Quảng trường Ba Đình), Quảng Bình (Quảng trường Biển, Đồng Hới), Đồng Nai (Khu lưu niệm Trung ương Cục miền Nam), TPHCM (Hội trường Thống Nhất) và được phát trực tiếp trên các kênh: HTV9, QPVN, ANTV, PT-TH Cao Bằng, PT-TH Quảng Bình, PT-TH Đồng Nai và một số kênh truyền hình khác trong cả nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Đài Truyền hình TPHCM phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức cầu truyền hình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ tại 5 điểm cầu: Cao Bằng (khu rừng Trần Hưng Đạo), Hà Nội (Quảng trường Ba Đình), Quảng Bình (Quảng trường Biển, Đồng Hới), Đồng Nai (Khu lưu niệm Trung ương Cục miền Nam), TPHCM (Hội trường Thống Nhất) và được phát trực tiếp trên các kênh: HTV9, QPVN, ANTV, PT-TH Cao Bằng, PT-TH Quảng Bình, PT-TH Đồng Nai và một số kênh truyền hình khác trong cả nước.

Chương trình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ bắt đầu diễn ra từ 17 giờ 30 ngày 12-12 và kéo dài trong vòng 150 phút, với ba chương chính nhằm phản ánh ba giai đoạn phát triển và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam: Chương 1 - Từ nhân dân mà ra (giai đoạn từ trước năm 1944 đến năm 1954); Chương 2 - Vì nhân dân chiến đấu (Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975); Chương 3 - Quân đội của hòa bình (Giai đoạn từ 1975 đến nay). Chương trình sử dụng 11 video clip là những hình ảnh của nhiều nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh sĩ quan cao cấp trong quân đội qua các thời kỳ, ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội, những hình ảnh tư liệu trong và ngoài nước. Có 19 tiết mục văn nghệ là hoạt cảnh và nhiều bài hát đánh dấu sự hình thành và phát triển lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như sự gắn bó máu thịt giữa quân và dân ta được dàn dựng công phu với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật của Tổng cục Chính trị, các quân khu; ca sĩ, diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật của một số tỉnh thành trong cả nước.

Trong chương trình sẽ có sự xuất hiện của đồng chí Tô Đình Cấm, là một trong 34 đồng chí đầu tiên trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tổng đạo diễn cầu truyền hình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ là NSƯT - đạo diễn Lê Thụy. Kịch bản chương trình được tác giả Thái Thành Trung viết cùng với sự tham gia góp ý của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Công việc chuẩn bị chương trình cầu truyền hình hiện nay đang trong giai đoạn gấp rút. Khó khăn chính là việc di chuyển các trang thiết bị, con người, trong thời tiết mùa mưa, lạnh vào những địa điểm trong rừng, xa trung tâm như: khu rừng Trần Hưng Đạo (nằm sâu trong rừng, cách Cao Bằng 60km), rừng Chiến khu D (cũng nằm sâu trong rừng, cách Biên Hòa 40km). Nhưng theo ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM cho biết: Chương trình đã được Tổng cục Chính trị đưa vào kế hoạch tuyên truyền cấp nhà nước và cả 5 tỉnh thành nơi có các điểm cầu đều thành lập ban tổ chức riêng cho cầu truyền hình này.

Trước khi diễn ra cầu truyền hình Vinh quang bộ đội Cụ Hồ, từ ngày 1-12, HTV bắt đầu cho phát sóng 12 số đồng hành cùng cầu truyền hình vào lúc 20 giờ 30 các buổi tối trên kênh HTV9 để ghi nhận, phản ánh công tác tổ chức cầu truyền hình tại các đơn vị và địa phương trong cả nước, cùng một số ghi nhận những bước phát triển tiêu biểu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 70 năm qua.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục