Cầu vượt Gò Dưa (TPHCM)… dây dưa

Đường kẹt, cầu bỏ không
Cầu vượt Gò Dưa (TPHCM)… dây dưa
Cầu vượt Gò Dưa (TPHCM)… dây dưa ảnh 1

Cầu vượt Gò Dưa dù đã xong 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể sử dụng vì không có đường dẫn lên cầu. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Để bảo đảm an toàn giao thông và giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên tại nút giao thông Gò Dưa (giao cắt quốc lộ 1A với tỉnh lộ 43 - quận Thủ Đức, TPHCM), năm 2003, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết định xây cầu vượt Gò Dưa. Cầu xây xong đã 2 năm nhưng người dân không thể “vượt” được vì… đường dẫn lên cầu chưa xong.Vì vậy, đây vẫn là một “điểm nóng” về kẹt xe.

Đường kẹt, cầu bỏ không

Tháng 4-2003, Bộ GTVT có quyết định giao công trình cầu vượt Gò Dưa cho Ban Quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, với tổng vốn 107 tỷ đồng. Đến tháng 2-2004, Bộ GTVT lại điều chỉnh dự án, tăng mức đầu tư lên 189 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2004. Tuy vậy, tháng 8-2004 công trình này mới khởi công và đến tháng 5-2005 cơ bản hoàn thành phần cầu, nhưng lại “trùm mền” từ đó đến nay.

Cầu vượt Gò Dưa (TPHCM)… dây dưa ảnh 2

Ùn tắc xe tải thường xuyên tại ngã tư Gò Dưa (Thủ Đức). Ảnh: H.B.

“Cứ vào giờ cao điểm, nút giao thông Gò Dưa lại xảy ra ùn tắc do lưu lượng và mật độ phương tiện lưu thông quá cao từ cả 2 tuyến cùng một lúc”- anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ tại phường Bình Chiểu, Thủ Đức, bức xúc.

Anh Tô Thái Sơn, trật tự viên TNXP trực tiếp điều tiết lưu thông tại ngã tư Gò Dưa, xác nhận: Đây là “điểm đen” về ùn tắc giao thông, hầu như ngày nào cũng kẹt xe. Những ngày trời mưa, dòng xe bị kẹt kéo dài hàng cây số trong nhiều giờ liền. Vì vậy, lực lượng TNXP và CSGT phải túc trực thường xuyên để điều tiết. Trong hoàn cảnh như vậy, việc cầu vượt Gò Dưa không thể đưa vào sử dụng đã để lại một dấu hỏi lớn với người tham gia giao thông nơi đây. 

Không chỉ việc thi công chậm chạp, trì trệ, người dân còn cho rằng nhiều hạng mục thi công kém chất lượng, chưa hiệu quả. “Hệ thống thoát nước thiết kế quá thấp nên bị bùn, rác lấp kín; khi đường dẫn hoàn thành, nước sẽ khó thoát dẫn đến ngập úng. Hơn nữa, sắt thép phơi mưa, phơi nắng bị gỉ sét không đảm bảo chất lượng nhưng đơn vị thi công vẫn sử dụng làm công trình cống ngầm này. Mặt khác, chiều cao tĩnh không của cầu quá thấp nên đã có nhiều trường hợp xe tải đụng trần, phải xì lốp mới qua được” - anh Phạm Thanh Hải, ngụ tại khu phố 4, phường Tam Bình, đã sử dụng máy quay phim để quay lại những điều vừa kể làm bằng chứng khi trình bày với PV Báo SGGP.

Bế tắc giải phóng mặt bằng?

Cầu vượt Gò Dưa (TPHCM)… dây dưa ảnh 3

Chưa thể thi công đường dẫn lên cầu vượt Gò Dưa do mặt bằng chưa được giải tỏa. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình này quá chậm. Sự chuyển đổi nền tái định cư dây dưa, kéo dài. Anh Nguyễn Văn Châu, ngụ tại số nhà 75, đường Gò Dưa, phường Tam Bình, quận Thủ Đức ,cho biết: “Chúng tôi đã bàn giao mặt bằng nhưng chờ mãi vẫn chưa có chỗ tái định cư nên phải mướn nhà để ở”.

Trong khi đó ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc PMU Mỹ Thuận (chủ đầu tư), cho biết, tuy hiện nay phía phường Bình Chiểu đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng, nhưng phía phường Tam Bình thì vẫn... “án binh bất động”. Vì thế, dù đã có gần 200 hộ bàn giao mặt bằng nhưng ở vị trí như “da beo” nên cũng không thể thi công được.

Việc vướng giải tỏa dẫn đến một khó khăn khác là ngày 31-12-2005, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đóng khoản vay vốn đối với dự án này (cầu vượt Gò Dưa là một thành phần của dự án đường xuyên Á từ TPHCM đi Phnom Penh, Campuchia nên sử dụng vốn từ ADB - PV). Trước thực tế đó, tháng 3-2006 UBND TPHCM đã chấp thuận giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính làm thủ tục ngân sách thành phố ủy thác vốn cho PMU Mỹ Thuận tiếp tục quản lý đầu tư và xây dựng với các khối lượng tồn đọng của dự án đường xuyên Á, thay thế vốn vay ADB, trong đó có nút giao thông Gò Dưa.

Tuy nhiên, do đền bù giải phóng mặt bằng chậm nên kinh phí đầu tư tiếp tục tăng. Đến tháng 3-2007, kinh phí bổ sung được xác định là 40,4 tỷ đồng, so với 25,6 tỷ đồng mà chủ đầu tư ước tính trước đó.

Cầu vượt Gò Dưa là cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, dài 205,55m, rộng 15,6m. Theo chủ đầu tư, chiều cao tĩnh không của cầu 4,75m là đúng quy chuẩn xây dựng.

Về tiến độ, ông Dũng khẳng định, nếu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thì 8 tháng sau cầu vượt Gò Dưa sẽ thông xe. Để đẩy nhanh tiến độ, mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận cho hỗ trợ thêm tiền đền bù giải tỏa bằng một khoản tiền lãi suất ngân hàng cho các hộ dân chưa nhận tiền kể từ thời điểm nhà đất được kiểm kê. Vấn đề còn lại là liệu Ban đền bù giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức có thúc đẩy nhanh tiến độ giải tỏa.

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức, cho biết, hiện đã có nền đất tái định cư tại phường Tam Bình để bố trí cho các hộ dân nhưng cũng không thể biết cụ thể khi nào sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư do các hộ dân trong phạm vi giải tỏa đang tiếp tục khiếu kiện… Câu hỏi đến bao giờ cầu vượt Gò Dưa mới đưa vào sử dụng và đơn vị nào chịu trách nhiệm về sự lãng phí này vẫn còn lơ lửng.

Đình Lý - Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục