Cây đào tình yêu

Trong đời lính đảo của mình, có những kỷ niệm thẳm sâu, ghim vào ký ức không thể nào quên được. Với tôi, đó là kỷ niệm về cây đào tình yêu trên đảo Hòn Nồm. Ngày ấy, tôi là khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 12 ly 7.

Trong đời lính đảo của mình, có những kỷ niệm thẳm sâu, ghim vào ký ức không thể nào quên được. Với tôi, đó là kỷ niệm về cây đào tình yêu trên đảo Hòn Nồm. Ngày ấy, tôi là khẩu đội trưởng khẩu đội pháo 12 ly 7.

Trong khẩu đội gồm “3 chàng ngự lâm pháo thủ”, tôi và Lê Quốc Đông quê ở Cửa Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Mùi quê Nghi Công, Nghi Lộc (Nghệ An). Chiều 26 Tết năm 1967, khẩu đội nổ súng đón đầu “thằng” AD6 bổ nhào. Hai điểm xạ dài của khẩu 12 ly 7 vừa dứt, “thằng giặc nhà trời”(*) đã biến thành một đống lửa rừng rực. Thay vì cắt bom, hắn đâm đầu xuống biển cách đảo chưa đầy cây số.

Sáng hôm sau, đảo trưởng Trần Văn Vui gọi cả ba người của khẩu đội lên ban chỉ huy. Tay bắt, mặt mừng, đảo trưởng tấm tắc: “Khá lắm! Bắn chắc thế, các cậu thật không hổ danh lính đảo”. Chính trị viên đảo Hoàng Văn Hai thì mở xắc-cốt đưa ra 3 tờ giấy công tác, rồi vỗ vai từng người: “Vì chiến công bắn rớt “thằng giặc nhà trời”, mỗi cậu được về thăm nhà, đón tết 7 ngày. Chiều nay có thuyền về đất liền, các cậu chuẩn bị đi là vừa”. Chúng tôi lặng người đi vì sung sướng.

Khỏi phải kể những chuyện vui như tết trong những ngày được về quê. Những năm tháng đó, cả Bắc - Trung - Nam cuộc sống đều khó khăn. Nhưng dù sao, ngày tết mỗi gia đình cũng có vài cân thịt, ít cân nếp, dăm cái bánh chưng để mừng xuân, đón tết. Sáng mùng một, tôi thắng bộ quân phục còn thơm mùi vải, đi chúc tết một vòng các gia đình trong xóm. Đến nhà bác Cầm, một người chuyên trồng đào giống để bán, bác vui lắm:

- Thế tết ở đảo, các cháu có hoa đào không?

- Năm nào đất liền cũng gửi vài ba cành đào cho chúng cháu đón xuân. Đảo thì xa, đào gửi theo tàu, thuyền ra phải luồn sóng, chém gió nên chẳng hiểu sao cứ đến đảo được ít ngày, hoa nào hoa nấy héo rũ ra rồi rụng hết cánh…

Hết 3 ngày tết, tôi lại sang nhà bác Cầm hỏi mua đào giống đem ra đảo. Bác Cầm rủ rỉ:

- Trồng được đào ở đảo khó đấy cháu ạ. Đào không kén đất, nhưng ngoài đảo, mưa, gió, nắng nôi, bão tố… khác hẳn trong đất liền, mặn mòi, dữ dằn lắm. Lại còn bom rơi, đạn nổ ngày đêm… Khó đấy! Nhưng thôi, quý cái tình của cháu với đảo, bác không bán đâu mà biếu hẳn cho cháu và anh em ta ngoài đó hai cây đào giống đã 4 năm tuổi, đẹp nhất trong vườn.

Tôi sướng quá, líu ríu cám ơn bác Cầm, mang ba lô, gánh hai cây đào giống lên đường. Thằng Đông cũng hăng hái gùi thêm một cây, theo nó… để làm quân dự bị! Thật bất ngờ, chẳng hề hẹn nhau, thằng Mùi tít mãi trên Nghi Công, xa lắc, xa lơ thế cũng “cõng” một cây đào giống nữa. Ôi chao là vui khi anh em trên đảo chạy ùa xuống chân cầu tàu đón ba chúng tôi. Họ khệ nệ bưng đào lên, vừa ngắm nghía vừa vuốt ve từng cành cây, ngọn lá mà xuýt xoa. Đào được trồng xuống rồi, không khí trên đảo càng chộn rộn. Mọi người tranh nhau xách xô, thùng lương khô xuống giếng nước ngọt tít dưới chân đảo để lấy nước về tưới cho đào. Đường xuống giếng, đi thì trượt dốc, về thì leo từng bậc dễ gần 10 phút chứ ít đâu. Thế là những ngày sau, những ai đi tắm giặt cũng mang cả quần áo ướt về tới gốc đào mới vắt xuống để thêm nước cho cây.

Nhưng rồi, mùa hè đến. Nắng trên đảo đỏ trời, kèm theo gió chướng ào ạt thổi. Nắng, gió trên đảo, đến quân phục cánh lính chúng tôi mặc chưa tròn tháng đã bạc phếch, nói chi đến lá đào. Ba cây đào đang xanh mơn mởn cứ héo quay héo quắt, rũ ra rồi chết. Cánh lính đảo cứ đứng ngơ ngẩn bên những cây đào như người mất hồn. Đông và Mùi thì như đứng trước đồng đội hy sinh, cắn chặt môi, chẳng nói, chẳng rằng.

May sao, cũng còn một cây trụ được. Giữa ngút trời bom đạn, giữa chát chúa nắng, kỳ lạ, cây đào vẫn vươn cành, nảy lộc, tỏa màu xanh ngời ngợi. Những năm tháng ấy, nhiều cơn bão gầm rú tràn qua đảo; bom, pháo từ máy bay, tàu chiến Mỹ liên tục gào rít dội xuống đảo. Vậy mà thật kỳ lạ, cây đào vẫn xanh tốt, vẫn thủy chung đơm hoa mỗi độ xuân về. Cây đào đã trở thành hiện thân của đảo, đã là tình yêu, nỗi nhớ của người lính đảo. Những ai đi xa đảo, dù ở chiến trường xa xôi, trong những lá thư gửi về bao giờ cũng hỏi: “Bây giờ cây đào còn khỏe không?”.

Đầu xuân năm 1970, trong một trận ném bom dữ dội của máy bay Mỹ, một mảnh bom đã phạt ngang cây đào khi nó đang đơm hoa. Máy bay địch đi rồi, chúng tôi xô đến xúm lại, cúi xuống bên thân đào cụt ngủn, tơ tướp, nhựa cây đang ứa ra mà ai cũng ngỡ như máu đang ứa từ cơ thể mình. Mọi người kéo nhau đi chặt cây, dựng cọc, níu giữ những cành bị hơi bom quặt quẹo chưa gãy rồi thay phiên nhau tưới tắm. Giữa năm đó, tôi được điều động về đảo Sơn Dương rồi về đảo Cồn Cỏ. Trong những lá thư đuổi theo tôi suốt chiều dài con sóng, Đông và Mùi kể rằng: “Đúng là cây đào biết yêu, cậu ạ. Nó yêu như tình yêu của người lính đảo vậy. Hình như bởi nó quá yêu quý đảo, thủy chung với đảo, nên không nỡ xa đảo, không phụ lòng người lính đảo. Sau trận bom đó, không nói ra, nhưng ai cũng nghĩ cây đào khó qua nổi. Vết thương nặng quá, chặt ngang cả thân cành nó còn gì. Nhưng như một người lính bị thương, được băng bó, chăm sóc, nuôi dưỡng, nó đứng dậy, khỏe khoắn ngẩng cao đầu giữa trời, cùng chúng mình giữ biển, giữ đảo, mặc mưa bom, bão đạn. Rồi một ngày, khi những bóng đen của những con tàu ma quái, của những con quạ sắt bị chúng mình đánh đuổi, mất hút phía chân trời, từ nơi cây bị mảnh bom tiện đứt, mầm xanh bỗng bật lên”.

Tôi rưng rưng ấp lá thư người đồng đội vào ngực. Thật kỳ lạ, từ ấy, nhiều năm, rất nhiều năm qua rồi, “cây đào tình yêu” trên đảo xa cứ chập chờn  trong tôi trong những đêm khó ngủ. Và cái màu hoa phơn phớt hồng như màu nắng mỗi độ xuân về trên đảo ngày ấy, cùng màu sóng trắng cứ lung linh, sóng sánh vỗ vô hồi trong những giấc mơ tôi…


(*) Máy bay AD6 Mỹ được gọi là “giặc nhà trời”.

Nguyễn Xuân Diệu

Tin cùng chuyên mục