Ở ĐBSCL, cây năn dại mọc khắp nơi, nhất là các vùng đất lung phèn. Trước đây, cây năn làm khổ nông dân trồng lúa vì phải dọn dẹp tốn công, tốn sức. Bây giờ cây năn trở thành đặc sản và nằm trong “cơ cấu” mùa vụ của nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Năn lột vỏ trộn gỏi tôm, gỏi thịt, xào tép, xào nghêu, nấu canh thịt bằm…
Về các xã Mỹ Quới, Mỹ Bình, Vĩnh Biên, Tân Long… của vùng kháng chiến cũ thuộc huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng tháng 9 này thấy vui là lạ vì những cánh đồng năn mênh mông, mượt mà xanh thẳm. Đó đây, những nông dân nón trắng nhấp nhô, cần mẫn nhổ những gốc năn non mượt, trắng xanh… Anh Nguyễn Văn Năm, ấp Mỹ Lộc 2, xã Mỹ Bình, huyện Ngã Năm quệt mồ hôi trán, cười nhoẻn miệng: “Gia đình tôi “trồng” 3ha năn. Giá năn non đầu vụ 2.500 đồng/kg; bây giờ thu hoạch rộ còn 2.000 đồng/kg. Mỗi ngày gia đình tôi 2 người thu hoạch được vài chục ký, bán cũng kiếm được 150.000 đồng. Tính bình quân mỗi ha năn cho thu nhập 15 triệu đồng mỗi vụ. Như vậy cũng lời chán vì cây năn có trồng đâu mà tốn chi phí bất quá chỉ tốn công thu hoạch”.
Sau vụ đông-xuân, những cánh đồng “chó ngáp” mênh mông vùng bán đảo Cà Mau chỉ còn trơ gốc rạ; đất nứt toác vì nắng gió. Khi mưa ngập chân ruộng, năn trùng trùng đội đất chui lên và nông dân chỉ việc thu hoạch cho đến hết mùa mưa. Khi năn lụi tàn, nông dân chỉ cần cày ải và trồng lúa. Vài năm nay, năn - lúa đã trở thành “cơ cấu” mùa vụ trên nhiều vùng đất lung phèn của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Từ loài cây hoang dại, vô bổ, năn nay trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của nhà nông.
Lê Bình