Hàng loạt các nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol đang được triển khai xây dựng tại miền Trung. Nguyên liệu chính phục vụ cho các nhà máy này là sắn củ (khoai mì). Vì vậy, để đáp ứng vùng nguyên liệu, việc quy hoạch trồng sắn đã được tiến hành, thậm chí chồng lấn lên các vùng nguyên liệu khác. Bên cạnh đó, giá thành sắn đang cao, người nông dân trên địa bàn đã phá các loại cây trồng chủ lực khác để trồng sắn…
Phá rừng trồng sắn
Gần đây do giá sắn củ tăng trên 2.000đồng/kg, còn giá cây rừng nguyên liệu (bạch đàn, keo) chỉ dừng lại dưới 1.000đồng/kg nên đồng bào các xã Sơn Thủy, Sơn Cao, Sơn Hạ, Sơn Thành và thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để lấy đất trồng sắn.
Ông Tạ Tiến, Quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sơn Hà cho biết, hiện tượng này đã xuất hiện từ mấy tháng nay. Đồng bào ở các xã nói trên đã lén lút vào rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham chặt cây, phát luống, lấy đất để trồng sắn.
Theo ông Đặng Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng, ở thị trấn Di Lăng có hơn 400 hộ được giao nhận rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham để chăm sóc, bảo vệ và họ đã được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhưng nay thấy cái lợi trước mắt đã chặt phá rừng để trồng sắn. Đây là hành vi lợi bất cập hại, dẫn tới rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị thu hẹp, hạn hán, xói mòn, lũ quét sẽ xảy ra...
Xen kẽ với rừng keo lá tràm một năm tuổi xanh tốt bạt ngàn tại các thôn Xuân Phú, Hà An (xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là những luống sắn xanh non mơn mởn. Ông Văn Lanh ở thôn Hà An phấn khởi: “Cây sắn được mùa, được giá nên gia đình ông đang tận dụng trồng sắn xen kẽ cao su, keo lá tràm với khoảng diện tích hơn 1ha”.
Đặc biệt, một số hộ gia đình khác trong thôn còn khai thác rừng keo từ 4-5 năm tuổi đã đến kỳ thu hoạch (bán với giá từ 30 triệu đến 35 triệu đồng/ha) để đưa vào trồng sắn. Ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho biết năm 2010 giá sắn tại địa phương đẩy lên mức kỷ lục 2.000-2.200 đồng/kg, tạo doanh thu trên 20 tỷ đồng/vụ. Trồng sắn trở thành hướng phát triển kinh tế, nên huyện đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng nhằm nâng cao thu nhập. Chính hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, nên nhiều hộ đã tranh thủ khai thác những diện tích rừng đến thời kỳ thu hoạch để chuyển sang trồng sắn.
Cũng theo ông Chiến, cùng với việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng sắn, UBND huyện đã làm việc với Nhà máy tinh bột sắn Phong An tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm. Nhà máy đã thỏa thuận đảm bảo tiêu thụ hết toàn bộ sản phẩm sắn trên địa bàn huyện. Và huyện cũng đã đề nghị nhà máy có chính sách hỗ trợ cây giống cho người dân nhằm tạo mối quan hệ ràng buộc trong bao tiêu sản phẩm. Nhà máy cũng đã cam kết trợ giá cho hộ người dân tộc thiểu số 500.000 đồng/ha và hộ người Kinh được trợ giá 300.000 đồng/ha.
Sắp tới, UBND huyện và nhà máy sẽ có biên bản về việc thỏa thuận, cam kết chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho dân.
Đe dọa vùng nguyên liệu mía
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, bình quân mỗi năm Nhà máy tinh bột sắn Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thu mua từ 20.000 - 30.000 tấn sắn nguyên liệu của nông dân trên địa bàn với tổng giá trị xấp xỉ 50 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã hình thành nhiều vùng trồng sắn nguyên liệu, với tổng diện tích bình quân 5.000-5.500ha/năm, tăng gấp 5 lần so những năm trước.
Hiện để sản xuất 100 triệu lít ethanol cần trung bình 250.000 tấn khoai mì lát khô, quy ra 600.000 tấn củ. Còn theo đề án phát triển nguyên liệu ethanol sinh học đến năm 2015, Việt Nam cần 750 triệu lít ethanol, tương đương 4,2 triệu tấn khoai mì tươi, chiếm 42% sản lượng khoai mì của cả nước…
Rõ ràng, áp lực phát triển nhanh cây sắn đang gây ra nguy cơ xâm lấn vùng nguyên liệu trồng mía, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều khả năng một phần diện tích trồng mía tại miền Trung sẽ chuyển sang trồng sắn.
Theo “Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010”, diện tích cây sắn được quy hoạch đến năm 2010 là 13.500ha, nhưng đến năm 2010, diện tích sắn của các địa phương đã vượt trên 21.000ha… Điều này cho thấy việc quy hoạch các nhà máy ethanol, nhà máy chế biến tinh bột sắn tập trung quá nhiều tại miền Trung đã và đang tạo nên sự mất cân đối về nguồn nguyên liệu, đe dọa sự phát triển của các nhà máy sản xuất mía đường trong khu vực. Hiện tại, cả nước có 6 nhà máy sản xuất ethanol từ sắn được cấp giấy phép hoạt động với tổng công suất 650 triệu lít ethanol/năm.
Hiện tại chỉ có nhà máy sản xuất ethanol Đồng Xanh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã đi vào sản xuất từ tháng 9-2009. Còn 4 nhà máy sản xuất ethanol sinh học thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà máy Orient Bio Fuels liên doanh với Nhật Bản sẽ đi vào hoạt động các năm tiếp theo. Do đó, việc giải quyết bài toán thừa mà thiếu nguyên liệu cho 6 nhà máy này đang làm đau đầu các lãnh đạo doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, theo GS Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam, nâng cao năng suất cho củ sắn là biện pháp hiệu quả nhất.
Hà Minh - Nguyên Khôi - Văn Thắng