Đó là phát biểu của Tiến sĩ Bùi Chí Bửu tại hội thảo về công nghệ sinh học (CNSH) cho tương lai do Đại sứ quán Mỹ phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM vừa tổ chức tại TPHCM.
Thách thức
Lúa gạo cung cấp 35%-59% nguồn năng lượng cho hơn 3 tỷ người. Trong khi diện tích cây trồng giảm dần, từ 0,45ha/người vào năm 1966 xuống 0,25ha/người vào năm 1998 và dự báo còn 0,16ha/người vào năm 2050 thì năng suất cây trồng tăng bình quân cũng giảm dần, nếu như thập niên 80 là 2,1% thì đến thập niên 90 chỉ còn 1%.
Việt Nam, nếu theo tiêu chí của FAO (Tổ chức Lương nông của Liên hiệp quốc) là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng xét về mặt an ninh lương thực (ANLT) Việt Nam chỉ mới đáp ứng cấp quốc gia, chưa đáp ứng cấp hộ gia đình. Theo Cục Trồng trọt của Bộ NN-PTNT, diện tích gieo trồng hàng năm giảm khoảng 58.700ha, diện tích canh tác giảm 325.000ha, trong khi dân số Việt Nam tăng bình quân gần 1 triệu người/năm. Những thách thức này sẽ rất khó giải quyết được nếu không ứng dụng công nghệ sinh học cho sự phát triển trong tương lai ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ sinh học, ở đây là cây trồng chuyển gene (biotech) thường gọi là cây trồng biến đổi gene (BĐG) là một cuộc cách mạng xanh lần thứ 2.
Phát triển bất ngờ
Cây trồng BĐG được các nước thương mại hóa từ năm 1996. Sau 10 năm, diện tích cây trồng BĐG lên đến 100 triệu ha, với 10,3 triệu hộ nông dân ở 22 nước tham gia trồng. 4 loại cây được trồng nhiều nhất là bắp, đậu nành (nguyên liệu thức ăn gia súc), cây bông vải, cây cải dầu. Trong đó, 77% diện tích cây đậu nành, 49% cây bông vải, 26% cây bắp và 21% cây cải dầu trên thế giới sử dụng giống chuyển gene. Diện tích tăng hơn 60 lần trong 11 năm là tốc độ tăng nhanh nhất trong lịch sử chuyển giao tiến bộ KHKT cây trồng.
Diện tích cây trồng BĐG năm 2010 trên thế giới vào khoảng 150 triệu ha (năm 2009 là 139 triệu ha) ở hơn 25 nước, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra còn có nhiều quốc gia phát triển trồng như Mỹ, Canada, Úc; các nước đang phát triển ở Mỹ Latin như Brazil, Chile, Argentina hay Ấn Độ, Philippines.
Về lợi ích kinh tế, thập niên đầu, cây trồng BĐG mang lại lợi nhuận khoảng 27 tỷ USD, giúp việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm khoảng 224.000 tấn, tương đương tỷ lệ giảm 15% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cây trồng BĐG làm giảm diện tích rừng bị mất (chuyển qua trồng cây lương thực) lên đến 13 triệu ha/năm.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Cúc Hòa, đậu nành là cây thực phẩm và dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, được trồng khoảng 200.000 ha ở nước ta nhưng năng suất rất thấp (1,4 tấn/ha). Do vậy, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… nhưng lại phải nhập khẩu hơn 70% nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, đẩy giá thành thức ăn chăn nuôi lên cao so các nước trong khu vực, giảm khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước.
Sử dụng cây trồng BĐG được xem là giải pháp khả thi để khắc phục mặt hạn chế này. Philippines là quốc gia trong vùng Đông Nam Á đi đầu trong việc trồng và sử dụng cây trồng BĐG. Đây là quốc gia có nhiều điểm tương đồng về khí hậu, thời tiết… mà chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm.
Theo Tiến sĩ Reynaldo V. Ebora, Giám đốc Viện Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học quốc gia thuộc Đại học Los Banos Philippines, những trang trại trồng bắp BĐG Bt năng suất tăng hơn 37%, giảm khoảng 60% chi phí thuốc trừ sâu, tăng thu nhập khoảng 1,34 peso/kg, tăng thêm lợi nhuận khoảng 10.132 peso/ha.
Tuy nhiên, cái nhìn về cây trồng BĐG vẫn chưa thật sự công bằng. Đặc biệt là đối với việc nghiên cứu trên cây lúa. (Trên Tạp chí Nature tháng 7-2010), Tiến sĩ Ingo Potrykus cho biết, sự bất công của những văn kiện pháp lý hiện nay đối với cây trồng BĐG biểu hiện sự thiếu thực tiễn và đang chặn đứng khả năng cây trồng này để cứu hàng triệu người thoát khỏi nạn đói và suy dinh dưỡng.
CÔNG PHIÊN