
Tiền tỷ bay đi...

Đất bỏ hoang
Hàng ngày, những nông dân xuôi ngược qua các con đường như hương lộ 2, đường Liên xã Tân Phú Trung – Tân Thạnh Tây… dễ dàng nhìn thấy rừng “cây xi măng” kéo về trồng trên các cánh đồng của xã Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Tân Thạnh Đông…
Đất khô khốc ngửa mặt nhìn trời, dưới cái nắng mùa khô. Trước kia con đường này chưa có hoặc chưa nâng cấp mở rộng, người nông dân có bao giờ để đất này nghỉ yên. Những nông dân nào làm theo kiểu tà tà thì cũng làm được 2 vụ lúa, còn siêng năng hơn thì làm 3 vụ, hoặc hai vụ hoa màu một vụ lúa… ít nhất cũng thu về trên 50 triệu đồng/ha/năm. Vậy mà giờ đây chẳng những đường giao thông nông thôn được mở mang chia ngang cắt dọc, các kênh mương thủy lợi nội đồng, kênh Đông cũng dẫn nước chạy đến tận từng thửa ruộng…, nhưng nông dân vẫn “lực bất tòng tâm” nhìn rừng bê tông ngày một lan rộng.
Thời gian này đang bước vào mùa khô, thế là cánh nông dân lại thêm ao ước: “giá như có được khoảnh đất nhỏ này để trồng cỏ nuôi bò thì hay biết mấy! Hàng chục, hàng trăm hécta đất này mà trồng cỏ hết thì đàn bò Củ Chi đâu đến nỗi “đói” cỏ như hiện nay. Tiền bạc tỷ chôn dưới trụ xi măng này rồi…”. Nhưng ước mơ là mơ ước, vì đất đã đổi chủ, mà chủ khác là dân nội thành ra mua đất trồng “cây xi măng” chờ thời. Họ đâu hề biết trồng cỏ, trồng đậu, trồng hoa màu hay trồng lúa là như thế nào, cứ trồng đại “cây xi măng” để giữ đất, năm mười năm đô thị kéo phố xá về thì ắt hẳn sẽ đẻ ra tiền thôi. Lý giải này làm cánh nông dân đành chào thua!
Tương tự, đi trên Tỉnh lộ 8, qua cánh đồng thuộc ấp 1 xã Hòa Phú, huyện Củ Chi (TPHCM) ai cũng đều tiếc rẻ: “Hàng chục hécta đất thuộc loại hạng nhất, có cơ sở hạ tầng bậc nhất, tươm tất nhất vì gần “điện, đường, trường, trạm” như thế này mà bây giờ đành nhường bước cho “cây xi măng” mọc khắp nơi như rừng và để hoang hóa mấy năm nay…”. Rồi họ nhẩm tính: “nếu như 1 ha đất này sản xuất đúng như đất ở các cánh đồng khác cũng trong xã cách đó không xa, thì quanh năm nông dân đâu có cho đất ngơi nghỉ.
Một vụ lúa, hai vụ đậu phộng; hoặc một vụ đậu, một vụ lúa và một vụ thuốc lá… Nói chung, dù trồng xen canh, luân canh hay thâm canh theo cách nào đi nữa, thì đất này đều “đẻ” ra trên 50 triệu đồng/ha/năm. 10 ha “sinh” ra 500 triệu, mà hàng chục hécta là hàng tỷ đồng mỗi năm chứ nhỏ nhoi gì? Vậy mà giờ đây, rừng trụ xi măng này cứ tràn ngập và ngày càng lan rộng, chẳng khác nào biến đất nông nghiệp “hạng nhất” thành đất chết?”.
Điều đáng nói, theo Chỉ thị 08 và 18 của UBND TPHCM, đất nông nghiệp sau 12 tháng chuyển nhượng nếu không sản xuất, canh tác sẽ bị thu hồi. Thế nhưng người mua đất thường hay dùng chiêu hợp thức hóa đất nông nghiệp của mình bằng cách: “trồng cỏ”. Họ cứ vin vào cớ này để lý giải với nhà nước rằng: “đất tôi đang trồng cỏ để nuôi bò”, vì một điều hiển nhiên rằng đất nào bỏ hoang mà không có cỏ mọc, mà cỏ mọc đến đâu thì xem như đất đang “sản xuất” đến đó. Vì vậy dù có chỉ thị, nhưng chính quyền địa phương vẫn “bó tay” không giải quyết được thực trạng cây xi măng đang ngày một lan rộng ở ngoại thành. Thế là đất hoang từ sang nhượng cứ tiếp tục hoang hóa, trụ xi măng cứ đà mọc lên và mặc cho nó chôn vùi mỗi năm hàng chục, hàng trăm tỷ đồng?
Phương Lam