Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với trên 9.300ha, tập trung tại huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Sản lượng xoài thu hoạch hàng năm khoảng 90.000 tấn. Trong đó, có 2 loại giống chiếm tỷ lệ gieo trồng gần 90% là xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc. Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại thu nhập khá cao cho nhà vườn.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng sản lượng xoài phân bổ không đều trong năm. Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, sản lượng xoài đạt thấp. Để khắc phục hạn chế về sản lượng cung ứng, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện mô hình xử lý ra hoa mùa nghịch để bán với giá cao hơn. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, một số hạn chế của ngành hàng này là bà con chưa áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Liên kết tiêu thụ vẫn chưa nhiều do tập quán của nhà vườn muốn “mua đứt bán đoạn”. Nhận thấy được ưu và khuyết điểm của mặt hàng xoài, ngành nông nghiệp định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành ngành hàng trái cây xuất khẩu, sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái. Theo đó, cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, phát huy giá trị gia tăng từ trái xoài, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ngành chức năng tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo các quy trình sạch, an toàn nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những định hướng đó, cộng với nhãn hiệu hàng hóa “Xoài cát Chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh” đang sở hữu, sẽ góp phần phát triển thương hiệu nông sản, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt, trong thời gian xoài địa phương đang chinh phục thị trường ngoài nước thì những yếu tố này là điều rất cần thiết. Một trong những nhân tố không thể thiếu trong hành trình xây dựng ngành hàng xoài chính là phát triển kinh tế hợp tác, củng cố liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, các ngành chức năng vận động thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác ngành hàng xoài để định hướng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp.
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, chia sẻ: “Sau thời gian đại hội thành viên, Ban Quản trị HTX Xoài Mỹ Xương đã thực hiện nhiều mô hình phát triển ngành hàng xoài. Trong đó, HTX chú trọng đẩy mạnh gắn kết nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đơn vị cũng tìm những đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào để bà con trồng xoài giảm áp lực về giá thành sản xuất”. Nhằm tạo ra giá trị gia tăng, giúp nhà vườn tăng thu nhập, HTX Xoài Mỹ Xương đang triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị, người mua ưng ý một hoặc nhiều cây xoài sẽ tiến đến làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định. Theo đó, khách hàng được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây xoài.
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Tháp, cho rằng: “Thời gian tới Hội Làm vườn tỉnh tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền, hội thảo nhằm tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà vườn trồng xoài ngày càng bền chặt hơn, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, đây là hành trình còn khá dài và đòi hỏi sự hợp tác nhiệt tình từ nhiều phía”.
KHIẾT DUNG