V. thân mến!
Đầu năm 2012, mình có dịp xuất hành đến thủ đô Bangkok, Thái Lan dự Triển lãm BOI 2011 về đầu tư phát triển bền vững, thu hút hàng chục tập đoàn, công ty công nghiệp đa quốc gia và Thái Lan.
Sau lần thứ 2 được tổ chức hơn 10 năm trước, lý ra BOI lần thứ 3 diễn ra vào năm 2011 nhưng trận lụt tai quái cuối năm rồi đã cản trở kế hoạch của ban tổ chức. Cơn đại hồng thủy trong hơn 3 tháng ở một phần Bangkok, làm thiệt mạng hàng trăm người cho thấy tác hại khủng khiếp của biến đổi khí hậu thế nào nếu mực nước biển cứ dâng đều đặn trong vài năm tới. Nghĩa là, như một sự tình cờ tương phản, thay vì chứng kiến những công nghệ mới, thân thiện với môi trường theo chủ đề “Hành trình xanh vì tương lai” ở BOI 2011, người Thái lại phải trải nghiệm cơn thịnh nộ của thiên nhiên trước.
Đợt lũ lịch sử này, như lời ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành SCG, tập đoàn công nghiệp hàng đầu Thái Lan, là một hồi chuông cảnh tỉnh đúng lúc giúp cộng đồng học cách đối mặt với các thảm họa không lường trước. Trận lũ càng khiến người Thái nói riêng và nhân dân các nước từng chịu tác động của thiên tai trân trọng hơn những thành quả nghiên cứu khoa học giúp con người sống hòa quyện với thiên nhiên một cách bền vững, được giới thiệu ở BOI 2011.
Tại đây, SCG và nhiều doanh nghiệp khác trình làng hàng loạt công nghệ xanh tiên tiến đủ sức cạnh tranh quốc tế. Đó là thiết kế nhà SCG Heim sườn thép, giảm thiểu 30%-40% điện năng sử dụng điều hòa nhiệt độ, có thể trụ vững trước cơn động đất 7 độ richter trong phạm vi 300km từ tâm chấn. Hay như loại nhà Shield-Life kín bằng nhựa, nhẹ, dễ vận chuyển, dùng năng lượng mặt trời, có thể giúp 2 người trú ẩn khi gặp thiên tai. Hoặc đơn giản là hầm xi măng có khả năng chịu được chấn động của các vụ nổ, động đất và tác động bào mòn của nước biển, gió bão. Ở đó còn có các dòng sản phẩm ô tô ít tiêu hao nhiên liệu và giảm nhiều khí thải. Người Thái cũng giới thiệu kế hoạch đầu tư hàng tỷ baht vào hệ thống trạm cung cấp năng lượng mặt trời cho ô tô, xe máy trong vòng 15 năm tới.
Khi tham quan BOI 2011, bạn sẽ thấy ngay sự chủ động hòa nhập, tham gia vào quá trình sáng tạo công nghệ xanh của các doanh nghiệp. Bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn sự cân bằng sinh thái, phân bổ nguồn tài nguyên hợp lý để con người và thiên nhiên cùng tồn tại, thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo hay các loại vật liệu thân thiện với môi trường như giấy tái chế, ni lông tự hủy. Bạn sẽ được định hướng tiêu dùng xanh với những sản phẩm dùng nguyên liệu tái chế.
BOI 2011 còn kéo dài đến ngày 20-1 nên mình vẫn mong trong những ngày tới sẽ có thật nhiều lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp và cả du khách Việt Nam đến dự lãm. Để chí ít, dưới từng góc nhìn bản thân, mọi người sẽ rút ra những bài học đắt giá trong việc lựa chọn cách ứng xử với thiên nhiên; trong định hướng nghiên cứu khoa học và đầu tư sản xuất; hay tham mưu hoạch định chính sách kinh tế - xã hội phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước chịu tác động xấu nhất. Để trở thành đất nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam cần những hành trang gì, dựa trên nền tảng gì khi mà nhiều nước ASEAN đang tiên phong công nghệ xanh, bền vững của tương lai. Đâu là công nghệ “đi tắt đón đầu” của Việt Nam. Đừng loay hoay như cách chúng ta điều chỉnh quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô sau hơn 7 năm đâm vào ngõ cụt. Đừng chậm chân nếu không muốn tụt hậu hơn nữa so với thế giới và khu vực.
Chí Thủy