Chậm chạp cắt giảm lệ phí nông nghiệp

Loạn phí kiểm dịch
Chậm chạp cắt giảm lệ phí nông nghiệp

Mặc dù Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính đã cùng thống nhất rà soát, gỡ bỏ 14 khoản phí và lệ phí trong nông nghiệp, nhiều nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, nhưng hiện vẫn còn gần 1.000 khoản phí và lệ phí khác mà nông dân đang phải “cõng” trên lưng, ảnh hưởng tới sản xuất và quá trình chuẩn bị gia nhập TPP…
 
Loạn phí kiểm dịch

Anh Nguyễn Văn Thanh, một chủ trang trại nuôi hơn 10.000 con gà ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết, gần 1 năm nay, chăn nuôi vẫn rất khó khăn, thua lỗ do giá bán thực phẩm giảm 30%-40% so với các năm trước, có thời điểm chỉ bằng 50% và nhiều chủ trại phải bỏ cuộc, không đủ sức tái đầu tư vào chăn nuôi. Mặc dù 2 năm nay, giá thức ăn chăn nuôi bớt căng thẳng hơn nhưng các chủ trại vẫn gặp nhiều khó khăn khi phải thanh toán các khoản phí và lệ phí trong chăn nuôi và thú y. 

Hiện vòng đời một con gà đang phải gánh khoảng hơn 30 khoản phí và lệ phí từ các loại giấy phép. Điều này là không cần thiết và vô lý, vì các khoản phí được thu trùng lặp, gây tốn kém cả về thời gian và chi phí của người chăn nuôi” - anh Thanh bày tỏ. Theo anh, các khoản thu lặp lại chủ yếu là ở lệ phí kiểm dịch, từ trứng gà thu một lần đến gà con nở ra, nếu xuất chuồng cũng phải có giấy phép kiểm dịch, đến khi thành gà bố mẹ cũng phải thêm một lần kiểm dịch nữa mới được lưu thông ra thị trường. Nếu nông dân mua về nuôi để đẻ trứng, trước và sau khi xuất chuồng lại thêm vài lần thu phí, giết mổ làm thực phẩm cũng vẫn thu phí… Đó là chưa kể khi xe chở gia cầm lưu thông trên đường còn phải chịu những khoản phí không tên khác.

Cán bộ Trạm kiểm soát liên ngành KM15 Móng Cái - Quảng Ninh đang kiểm tra giấy phép kiểm dịch.

Theo ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, các khoản phí trong chăn nuôi và thú y hiện nay vẫn đang đè nặng lên vai các chủ trại và doanh nghiệp. Người nông dân phải gánh nhiều khoản phí và lệ phí kiểm dịch nhưng chất lượng kiểm dịch lại không cải thiện, dịch bệnh vẫn cứ xảy ra. Nhiều nơi, cán bộ thú y chỉ kiểm dịch bằng cảm quan và thậm chí làm cho qua. Vì vậy, các loại dịch bệnh vẫn luôn rình rập và đe dọa, gây thiệt hại cho người chăn nuôi bất cứ lúc nào. Điều đáng lo hơn là người chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về hội nhập TPP, nếu không giảm tối đa các khoản phí và lệ phí như hiện nay thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, sản phẩm thực phẩm ngoại sẽ tràn ngập thị trường nội địa do chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Không thể chờ…

Trong một cuộc họp mới đây về thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ trong nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đề nghị tiếp tục gỡ bỏ các khoản phí là lệ phí không cần thiết, bất hợp lý. Trong năm 2015, sau khi rất nhiều chủ trại, doanh nghiệp than thở về gánh nặng phí và lệ phí, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính cùng rà soát, bãi bỏ 14 mục lệ phí và 21 mục phí trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT thừa nhận, vẫn còn trên 100 loại phí, lệ phí lớn và một số danh mục phí, lệ phí nhỏ, tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực là thú y và bảo vệ thực vật đang được áp dụng. Còn theo Bộ Tài chính rà soát thì tổng cộng có gần 1.000 loại phí và lệ phí trong nông nghiệp.

Về thủ tục hành chính, hiện nay doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn khi muốn đầu tư và khởi nghiệp trong nông nghiệp. Một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết đã gửi hồ sơ đăng ký các thủ tục đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn không được xem xét, hồi âm. Về điều này, ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, một số đơn vị trong ngành còn thiếu quyết liệt trong nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Một số văn bản ban hành nhưng hiệu lực, hiệu quả thực thi thấp do chưa sát với thực tiễn. Trong khi việc cắt giảm các thủ tục và lệ phí còn chậm chạp thì mới đây, đã có một số chuyên gia còn đề nghị áp dụng trở lại một số loại phí đã bị bãi bỏ, như thu phí sát sinh trong giết mổ để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc thu lại thủy lợi phí để chung tay khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn…

Theo ông Trần Duy Khanh, mặc dù các bộ, ngành có liên quan đã thể hiện rõ quyết tâm xóa bỏ các khoản phí và lệ phí không cần thiết trong nông nghiệp, nhưng để thực sự xóa sạch các khoản quy định bất cập, chồng chéo… cần phải có sự giám sát chặt chẽ. “Trước mắt, trong khi chờ các quy định mới trong Luật Phí và lệ phí có hiệu lực, cần phải có các hướng dẫn về việc dừng toàn bộ các khoản phí và lệ phí có bất cập để giảm ngay gánh nặng cho người nông dân nuôi và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp” - ông Khanh đề nghị.

Để tạo cơ chế thông thoáng cho nông dân và doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hưng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN-PTNT) cho biết, Bộ NN-PTNT đã đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính và từ 1-1-2017, khi Luật Phí và lệ phí có hiệu lực sẽ thực sự cởi trói cho sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp với các loại phí, lệ phí được chuyển sang cơ chế giá. Theo đó, sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng của cơ quan Nhà nước và đơn vị bên ngoài trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và người dân, DN sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, cùng với việc thực hiện cơ chế giá thì điều cần thiết phải làm để thực sự cởi trói cho nông dân và doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính phải rà soát lại để sửa đổi hoặc bãi bỏ các thông tư đã ban hành liên quan đến phí và lệ phí không còn phù hợp.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục