Quanh đi quẩn lại mà đã sắp hết năm; thời tiết bất lợi nên năm nay bà con ta loay hoay hết chống hạn lại chống lụt, chống triều cường, chống gió bão. Nay trời yên, biển lặng, ta phải nghĩ tới việc chuẩn bị cho mùa tết. Mà cũng chả còn bao lâu, năm nay tết sẽ rơi vào từ ngày 26-1 dương lịch. Tính ra, bà con mình còn 2 tháng để chuẩn bị cho tết.
Mùa tết cũng là mùa thu hoạch của chúng ta. Bà con phải lo nhanh các mặt hàng sẽ bán được trong dịp tết: nào là thịt, cá, rau, quả và cả hoa nữa. Mỗi nhà cần tính đến một mặt hàng nào đó mà chúng ta có thể thu được trong dịp tết.
Riêng về hoa, từ Đà Nẵng trở vào, có lẽ cây mai là loại hoa phổ biến nhất. Hầu như vào tết, nhà nào cũng có mai. Mai cắm cành, mai trồng chậu đều cần nở đúng vào ngày tết. Nếu ai điều khiển được nó nở vào 30 Tết thì chắc chắn phát tài to!... Tuy nhiên, thời tiết năm nay quá phức tạp nên chúng ta phải tính toán thật kỹ để điều khiển được mai nở vào đúng dịp tết.
Có nhiều loại mai nhưng mai vàng là cây được bà con ưa chuộng nhất. Nó thường nở hoa vào đúng dịp tết. Vì vậy, mai vàng được coi là biểu tượng ngày tết của bà con ở phía Nam (còn bà con ở phía Bắc thì đã có hoa đào).
Chăm sóc mai tại Thủ Đức. Ảnh: THÀNH TRÍ
Rút kinh nghiệm của năm trước, nhiều nơi mai nở trước tết đến cả tháng, chúng ta phải tính toán cho kỹ lưỡng.
Việc nở hoa của mai phụ thuộc vào thời tiết và chế độ dinh dưỡng. Nếu nắng nóng kéo dài và phân bón thiếu thì cây mau còi cọc và già cỗi. Nó sẽ ra hoa sớm. Bình thường ở phía Nam, vào giai đoạn này thời tiết ít biến động. Tuy nhiên, ta phải lường trước những thay đổi (như năm trước đã xảy ra).
Để chủ động điều khiển hoa mai nở đúng vào dịp tết, bà con có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Chủ động điều chỉnh việc tưới nước cho cây: Ta phải nghe ngóng thời tiết và quan sát việc hình thành nụ hoa. Nếu thấy khả năng nụ phát triển chậm thì phải tăng cường tưới nước để thúc cho nụ lớn lên. Còn nếu thấy khả năng sẽ bị nở hoa sớm thì ta phải kiềm chế sự phát triển của nụ hoa, giảm bớt nước đi. Việc điều chỉnh nước tưới rất hệ trọng. Làm khéo ở khâu này thì ta cũng có thể khắc phục được việc hoa nở sớm hay nở muộn.
- Điều chỉnh độ chiếu sáng: Chúng ta biết rằng, đủ tổng lượng ánh sáng thì cây mới hình thành florigen để kích mầm hoa hình thành và phát triển. Nhiều sáng quá thì cây sẽ ra hoa sớm. Do đó, nếu mai được trồng trong chậu thì ta có thể di chuyển để tăng hoặc giảm độ chiếu sáng. Còn nếu mai trồng ở vườn thì ta có thể dùng lưới che để điều chỉnh độ chiếu sáng. Phải tính toán và dựa vào kinh nghiệm để xác định thời gian mai sẽ nở.
- Vặt hết lá: Đây là biện pháp mà ở phía Bắc áp dụng cho đào còn ở phía Nam thì áp dụng cho mai.
Khi cây bị vặt hết lá nó sẽ kích thích việc trổ hoa và thúc cho hoa nở sớm. Ở cây đào thì vặt trước 45 ngày. Còn ở cây mai thì vặt trước 15 ngày. Trong điều kiện bình thường thì nó sẽ nở hoa đúng vào mùng 1 Tết. Tuy nhiên, nếu trời nắng nóng dữ thì nên vặt chậm hơn 1 - 2 ngày. Và ngược lại, nếu thời tiết lạnh, khô thì lại phải vặt sớm hơn. Ta cũng có thể quan sát nụ hoa. Nếu nụ còn nhỏ thì vặt lá sớm, nếu nụ đã lớn thì vặt muộn hơn. Nói chung, ta vẫn phải quan sát cây để chủ động điều khiển.
Làm cho mai nở vào đúng ngày tết là cả một quá trình đấu trí với thiên nhiên. Bà con mình cố gắng trao đổi với nhau để phán xét thời tiết và tìm biện pháp hữu hiệu mà điều khiển cho mai. Được như vậy, nhà nào cũng vui.
Chuyên gia Sinh học - Nông nghiệp NGUYỄN LÂN HÙNG