Chậm do lúng túng và thiếu quyết liệt

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang triển khai, với tổng chiều dài 355km.

Công nhân, máy móc thiết bị làm việc khẩn trương tại công trường Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Công nhân, máy móc thiết bị làm việc khẩn trương tại công trường Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Các công trình này cần hơn 54 triệu m3 cát đắp và san lấp; trong đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 28,9 triệu m3 , cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh cần 3,1 triệu m3 và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cần gần 3,5 triệu m3 cát.

Việc thiếu cát xây dựng đã khiến tiến độ các công trình này bị chậm trễ nghiêm trọng trong thời gian qua. Trong các chuyến thực địa kiểm tra vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao chỉ tiêu cung cấp cát thi công các tuyến cao tốc theo cơ chế đặc thù đối với một số tỉnh vùng ĐBSCL trong năm 2023; trong đó An Giang 7 triệu m3 , Đồng Tháp 7 triệu m3 , Vĩnh Long 5 triệu m3 ... Tuy nhiên cho đến nay, việc bàn giao mỏ cát cho các nhà thầu thi công cao tốc của các địa phương diễn ra rất chậm. Tính đến đầu tháng 11-2023, duy nhất có tỉnh Đồng Tháp bàn giao 5 mỏ cát với trữ lượng hơn 3,7 triệu m3 và cung cấp thêm 0,37 triệu m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác còn lại. Những con số trên cho thấy khả năng các công trình cao tốc tiếp tục bị trễ tiến độ do thiếu cát là rất lớn.

Tại Sóc Trăng, dù HĐND tỉnh này đã thông qua đưa vào quản lý, sử dụng 7 mỏ cát trên sông Hậu (tổng trữ lượng hơn 17 triệu m3 ) để phục vụ Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhưng đến hiện tại, Sở TN-MT tỉnh vẫn chưa bàn giao mỏ cát nào cho các nhà thầu thi công. Giải thích nguyên nhân chậm, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng Ngô Thái Chân cho biết, cơ chế đặc thù không yêu cầu đánh giá tác động môi trường, nhưng các văn bản của Bộ TN-MT lại yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát, đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Đề phòng sạt lở xảy ra, tỉnh vẫn yêu cầu đơn vị nhận mỏ cát phải đánh giá tác động môi trường.

Còn tại An Giang, dù việc giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù đã được Chính phủ yêu cầu từ nhiều tháng trước, song đến nay mới chỉ dừng lại ở việc rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ cát trên địa bàn.

Việc chậm bàn giao mỏ cát để thi công cao tốc theo cơ chế đặc thù của một số địa phương ở ĐBSCL xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan, trong đó có sự thiếu quyết liệt, ì ạch, thậm chí có sự lúng túng, dè dặt trong triển khai. Tại lễ khởi công cầu Đại Ngãi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý: Chính phủ đã khảo sát, đánh kỹ thực tế tình hình; Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù giao mỏ cát, thì chính quyền địa phương, đơn vị thi công, nhà thầu cứ theo quy định mà làm, không thể chậm trễ hơn.

Như vậy, các quy định, quy chế, cách làm đã có, vấn đề còn lại là việc triển khai của địa phương. Một khi các địa phương không có kế hoạch cụ thể, còn lúng túng, chậm trễ trong thủ tục bàn giao mỏ cát, thời hạn hoàn thành các tuyến cao tốc sẽ còn kéo dài!

Tin cùng chuyên mục