
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc dự kiến báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép tạm thời chưa áp dụng điểm d, khoản 1, điều 12 Nghị định 166/2024/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Cụ thể, trong thời gian chưa áp dụng, các phương tiện kinh doanh vận tải đã thực hiện chuyển đổi biển số từ nền màu trắng sang nền màu vàng nhưng chưa đổi từ giấy chứng nhận đăng ký xe có ký hiệu “T” sang “V” (đăng ký xe kinh doanh vận tải) sẽ vẫn được phép đăng kiểm.
Đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải có đủ thời gian và điều kiện hoàn thiện thủ tục đổi đăng ký xe theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất việc hoãn áp dụng quy định đồng bộ giữa biển số và giấy đăng ký xe đến hết ngày 30-6-2026 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.
Bộ Xây dựng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thống kê chính xác số lượng xe kinh doanh vận tải đến nay đã đổi biển số nhưng chưa đổi thông tin trên đăng ký xe dẫn đến bị từ chối khi đi đăng kiểm; phân loại và kiến nghị giải pháp cụ thể với từng loại trường hợp.
Theo phản ánh từ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện cả nước có gần 1 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải đã chuyển sang sử dụng biển số nền vàng theo quy định, song phần lớn trong số này chưa đổi giấy chứng nhận đăng ký xe để phù hợp với màu biển mới.
Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện đang trong tình trạng vay thế chấp tại ngân hàng, giấy chứng nhận đăng ký xe là tài sản bảo đảm. Việc mượn hoặc rút giấy đăng ký xe cũ để đi làm thủ tục đổi sang giấy mới gặp nhiều khó khăn, có ngân hàng hỗ trợ, có ngân hàng không hỗ trợ, hoặc tùy đối tượng khách hàng.