Cải cách hệ thống luật pháp mạnh mẽ hơn
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kể lại câu chuyện về xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư khi chỉ còn 6 tháng là có hiệu lực mà có trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát. Lúc đó, có ý kiến trong Chính phủ cho rằng phải trình Quốc hội xin lùi thực hiện bởi không đủ thời gian hoàn thành khối lượng văn bản đồ sộ như vậy. Nhưng với quan điểm “trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các bộ ngành, trong đó có VCCI, phải làm bằng được. Bộ chủ quản trình đề án; VCCI và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phản biện; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ giám định, thẩm định. Cả “4 nhà” cùng rà soát từng văn bản để đưa ra quyết định về việc cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh. Kết quả, hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng giao.
Từ câu chuyện đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, mô hình “4 nhà” làm thể chế rất hiệu quả. Xu hướng phát triển bền vững, nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hội nhập, cạnh tranh gay gắt đang đòi hỏi cải cách đối với hệ thống luật pháp cần phải mạnh mẽ hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, công tác thực thi pháp luật là khâu yếu. Có những việc vi phạm pháp luật “hồn nhiên”, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Do đó, phải chuyển đổi tư duy, nhận thức trong vấn đề này, bởi trong một xã hội mà mọi người tuân thủ pháp luật thì xã hội đó mới phồn vinh và phát triển.
Chống tham nhũng trong cách làm chính sách
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ra cuốn sách kinh tế kinh điển Vì sao các quốc gia thất bại của 2 tác giả Daron Acemoglu và James A.Robinson để nói về vai trò quan trọng của “thể chế, thể chế và thể chế”. Thủ tướng cho biết, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến xây dựng thể chế, khâu đột phá mà Đảng ta đã xác định. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ luôn đưa vấn đề xây dựng thể chế pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm.
Trước đây, tại phiên họp thường kỳ hàng tháng, Chính phủ thảo luận kinh tế - xã hội trước, còn lại là thảo luận về thể chế chính sách; còn bây giờ, thảo luận về thể chế chính sách được tiến hành trước. Theo Thủ tướng, chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp, nhưng 90% các dự án luật là do Chính phủ đề xuất, do vậy, trách nhiệm của Chính phủ rất lớn. Nếu có khuyết điểm trong công tác này thì Chính phủ nhận trước tiên.
Thủ tướng đánh giá, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác này. Cụ thể, “vòng đời” của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa; công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế; vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả…
Nhấn mạnh công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương. Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống. Việc xây dựng luật pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do liên quan rất lớn; phải làm sao bảo đảm tự do kinh doanh, giải phóng sức sản xuất cho nhân dân, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm…
Thủ tướng cũng yêu cầu phải quán triệt, chống cho được lợi ích nhóm. Thủ tướng nêu rõ, chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật rất quan trọng, phải giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.