Chấm dứt việc móc nối, trục lợi

Chống “móc nối” giảm thuế
Chấm dứt việc móc nối, trục lợi

Chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp:

Lãnh đạo TPHCM vừa chỉ đạo không thực hiện “khoán thuế” ở 3 chợ đầu mối - có nghĩa là những hộ kinh doanh cá thể ở chợ đầu mối phải thành lập doanh nghiệp (DN).

Nguyên nhân, nói như đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, là có những bất cập trong thuế khoán hiện nay. Phóng viên Báo SGGP đã khảo sát thực tế về tình hình khoán thuế ở các chợ đầu mối…

Hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền Ảnh: THANH HẢI

Chống “móc nối” giảm thuế

Phát biểu tại cuộc họp chống thất thu thuế mới đây, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ và xem xét lại hội đồng tư vấn thuế, phải đưa hoạt động của hội đồng tư vấn thuế đi vào thực chất. Bởi điều đáng nói, dù có hội đồng tư vấn thuế nhưng mức thuế hầu như là do cán bộ thuế quyết định, nên “cứ khoán thấp đều là vui vẻ cả làng”!

Điều đó hàm nghĩa cán bộ bắt tay với hộ kinh doanh hạ mức thuế khoán xuống thấp để đôi bên cùng trục lợi. Kết quả, Nhà nước thất thu. Con số 250.000 hộ kinh doanh cá thể chỉ đóng góp được 2% số thu của ngành thuế TP đã phần nào cho thấy sự bất hợp lý. Do vậy, sau cuộc khảo sát tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhận thấy số thu ở đây là rất lớn, cần phải thay đổi lại cách tính thuế.

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo ngành thuế chấm dứt việc khoán thuế ở 3 chợ đầu mối, chuyển sang thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ đầy đủ; các sở, ngành, ban quản lý chợ cần tìm giải pháp, cơ chế, vận động các hộ kinh doanh chuyển thành DN. Tuy nhiên, Bí thư Đinh La Thăng cũng lưu ý, chuyển hộ kinh doanh cá thể sang DN thì phải có sự “hấp dẫn”, làm sao cho họ thấy được cái lợi khi hình thành DN. Nhà nước bên cạnh việc cố gắng tạo môi trường thuận lợi cho DN làm ăn thì phải tạo ra rào cản đối với những DN cố tình tránh né nộp thuế.

Doanh số cao, nhưng sợ… giấy tờ!

Thực tế khảo sát của chúng tôi đối với các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối cho thấy số thuế khoán ghi trong sổ rất thấp so với doanh số bán được. Và đương nhiên, số thuế thất thu là khá lớn. Theo đại diện chợ Bình Điền, với 1.500 quầy sạp, doanh số bán ra của chợ lên khoảng 100 tỷ đồng/đêm - một con số rất lớn. Chúng tôi khảo sát một số sạp trái cây, rau củ quả thì được biết trung bình mỗi sạp bán ra khoảng 10 triệu đồng/đêm, tức 300 triệu đồng/tháng, nhưng nộp thuế khoán chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Theo quy định tại Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính, hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa phải nộp 1,5% trên doanh thu. Với doanh thu 300 triệu đồng/tháng, mức thuế khoán phải nộp là 4,5 triệu đồng! Còn tại một hộ kinh doanh hàng thủy hải sản, mỗi đêm bán cả trăm tấn, doanh thu 100 triệu đồng/đêm, nhưng chỉ nộp thuế hơn 19 triệu đồng/tháng. Trong khi nếu với doanh thu đó (3 tỷ đồng/tháng), số thuế khoán phải nộp là 45 triệu đồng/tháng. Có nghĩa, mức khoán cho các hộ này chưa được một nửa số thuế phải nộp. Tuy nhiên, một số hộ cũng nói nhỏ là họ còn phải chịu thêm một số… “chi phí” khác!

Khi được hỏi đến việc chuyển lên DN thì hầu như tiểu thương nào cũng lo sợ về thủ tục, giấy tờ, báo cáo thuế và sợ… thanh, kiểm tra. Chị Tô Thị Hoàng Dung, ngành hàng rau củ quả, cho biết chị lấy nguồn hàng từ nông dân, không có hóa đơn chứng từ và chị bỏ mối cho các chợ thì cũng không ai đòi xuất hóa đơn, nên việc thành lập DN đối với chị là không cần thiết. “Vựa của tôi do vợ chồng tôi đứng ra kinh doanh và có thuê 3 người phụ việc nhưng chủ yếu lấy công làm lời là chính. Thật tình chúng tôi không muốn thành lập DN, phải thêm khâu hóa đơn chứng từ, khai thuế tốn thời gian, thêm chi phí. Đã vậy, việc thu tiền theo hóa đơn, hợp đồng sẽ chậm hơn, trong khi hiện nay chúng tôi bán theo cách tiền trao cháo múc, nhanh và gọn”, chị Dung tâm sự.

“Tôi chưa học hết lớp 1, chỉ biết mặt chữ, có biết gì máy tính, báo cáo thuế mà lên DN? Lâu nay, chúng tôi kinh doanh theo kiểu gia đình, dùng người thân tín, nếu lên DN phải thuê kế toán, có con dấu, lỡ đóng bậy bạ thì ai chịu?”, tiểu thương Lê Tấn Phước, chủ vựa cá, trần tình. Các tiểu thương Huỳnh Thị Hiền, Lê Văn Giàu đều kinh doanh ngành cá, hải sản, dù có doanh số trăm triệu đồng/đêm nhưng ai cũng nói không biết gì về hóa đơn chứng từ, báo cáo thuế, nên không muốn lên DN. “Tôi lấy hàng từ thương lái, từ những người thu gom thì chứng minh “đầu vào” thế nào? Thật ra chúng tôi chỉ là vựa trung chuyển, ăn huê hồng. Nếu phải báo cáo thuế thì suốt ngày chúng tôi chỉ lo thủ tục còn thời gian đâu để buôn bán”, anh Lê Văn Giàu nói. Anh cho biết, hoạt động kinh doanh ở chợ đầu mối diễn ra rất nhanh trong đêm, thậm chí còn không có thời gian đếm tiền, nói chi là hóa đơn chứng từ. Nếu chậm một chút là hàng sẽ dội chợ, giá sẽ thay đổi hoặc mất khách. Với ngành hàng cá, tôm, nếu chậm là cá chết, hàng nguội không ai mua. “Lâu nay chúng tôi buôn bán bằng niềm tin, chỉ tính nhẩm, nếu phải lên DN, dùng máy móc tính toán, chúng tôi không biết làm”, chị Phan Thị Kim Loan, vựa hành tỏi, nói thêm.

Mặc dù việc chuyển lên DN sẽ giúp hoạt động kinh doanh quy củ hơn, kê khai nộp thuế cũng minh bạch hơn, thế nhưng, với những người “ít chữ” thì việc quản lý con dấu, máy tính là điều xa lạ và đáng ngại. Do vậy, nếu TP chỉ hỗ trợ thủ tục thành lập DN, cung cấp phần mềm khai thuế thì vẫn chưa giải tỏa được nỗi lo lắng của người kinh doanh ở các chợ đầu mối.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục