Ngưng hoạt động
Công ty cổ phần Khí miền Nam (PV gas South) chi nhánh Đồng Nai vừa gửi thông báo đến Hợp tác xã (HTX) Vận tải số 28 để đòi nợ. Theo đó, tính đến ngày 28-9, số tiền nợ mua khí CNG để chạy xe buýt của đơn vị vận tải này đã hơn 680 triệu đồng. HTX Vận tải số 28 đã cam kết sẽ trả hết nợ trong tháng 9. Với lời hứa này, PV gas South đã tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho HTX nhưng kèm điều kiện sẽ dừng cung cấp từ ngày 5-10 nếu công nợ không được thanh toán. Hiện HTX Vận tải số 28 đang khai thác hàng loạt tuyến xe buýt như 15, 16, 73, 84, 101, 144, 151… và đang đối mặt với khả năng có thể phải ngừng hoạt động bất cứ lúc nào nếu không có tiền trả cho PV gas South.
Theo nhiều đơn vị HTX đang vận hành các tuyến xe buýt trên địa bàn TPHCM, khi nhập khẩu loại xe buýt chạy nhiên liệu CNG, các đơn vị đều không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào về thuế nhập khẩu cũng như hỗ trợ vay vốn để đầu tư, trong khi TPHCM luôn khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư xe chạy CNG để giảm ô nhiễm môi trường. Ngay cả khoản tiền chênh lệch nhờ tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng xe chạy CNG (thay vì chạy bằng xăng, dầu - PV) cũng không được chấp thuận, bởi các cơ quan quản lý cho rằng chưa có cơ sở để tính khoản chênh lệch này. Nếu không có những chính sách hỗ trợ thì rất khó để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang loại xe thân thiện với môi trường, bởi chi phí đầu tư xe chạy bằng khí CNG thường đắt hơn nhiều so với xe chạy bằng xăng, dầu.
Nhiều xã viên các HTX xe buýt tại TPHCM cho rằng, đơn giá định mức trợ giá xe buýt mà TPHCM đang áp dụng (ban hành từ năm 2009) đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện tại. Gần 10 năm qua, nhiên liệu và nhiều chi phí khác liên tục tăng. Đặc biệt, tiền trợ giá xe buýt về tay xã viên quá chậm trễ khiến nhiều tuyến bị giảm chuyến, ngưng hoạt động. Đơn cử, thời gian qua, ở HTX Vận tải và Du lịch Đông Nam, nhiều xã viên đã xin rút xe hoặc tự ý ngưng hoạt động, khiến nhiều tuyến buýt bị giảm chuyến, mất chuyến. Cụ thể, tuyến 40 đã ngưng hoạt động từ tháng 8-2017; tuyến 17 mất chuyến liên tục; tuyến 51 ngưng hoạt động; tuyến 146 để xảy ra tình trạng mất chuyến hàng loạt (từ 14 xe hoạt động ban đầu, nay chỉ còn 9 xe); tuyến 44 và 78, nhiều xã viên cũng xin rút phương tiện (từ 32 xe nay chỉ còn 16 xe). Ngay như tuyến 88 và 99 là những tuyến buýt được HTX Đông Nam đánh giá hoạt động hiệu quả nhất, có lượng khách cao trong thời gian gần đây, cũng đã xảy ra tình trạng mất chuyến.
Mức khoán đã quá lạc hậu
Theo Sở GTVT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, lượng hành khách đi xe buýt đạt 95,9 triệu lượt, bằng 32% so với kế hoạch dự toán năm 2018, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2017. Đến thời điểm này, trong 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt năm 2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) mới giải ngân được 447 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã chuyển hơn 16,6 tỷ đồng tiền tạm ứng trợ giá cho HTX Đông Nam. Tuy nhiên, HTX này chỉ chi 50% số tiền trên phục vụ trợ giá cho các tuyến, số còn lại, tạm ứng trả nợ đầu tư xe theo Đề án đầu tư đổi mới 1.680 xe buýt của TPHCM. Theo đề án này, xã viên mua xe buýt mới được thành phố hỗ trợ một phần lãi vay. Tuy nhiên, từ năm 2015 - thời điểm nhiều xã viên bắt đầu mua xe và quyết định hỗ trợ lãi vay của TPHCM có hiệu lực - tới nay, các xã viên chưa nhận được số tiền hỗ trợ này. HTX Đông Nam cũng dành một phần kinh phí để chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Một trong những xã viên chạy tuyến 99 của HTX này còn gắng “bám trụ” cho hay, để duy trì hoạt động, họ phải đi vay mượn thêm ở bên ngoài với lãi suất cao. Theo xã viên này, từ đầu năm đến nay, họ chỉ được ứng tiền trợ giá 8 triệu đồng/xe, trong khi những năm trước được thanh toán đầy đủ khoảng 30 triệu đồng/xe/tháng. “Nếu tình trạng chậm cấp tiền trợ giá kéo dài, tôi sẽ buộc phải ngưng hoạt động”, xã viên này nói.
Phó giám đốc HTX Vận tải Quyết Thắng Tống Thị Thu Thanh cũng cho hay, 2 năm nay, mức trợ giá quá thấp làm cho hoạt động của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các xã viên đã đầu tư phương tiện mới theo chủ trương của thành phố. Mức khoán đã quá lạc hậu và đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị không thể ký hợp đồng với Trung tâm, dẫn đến tình trạng đã 9 tháng trôi qua mà doanh nghiệp vẫn chưa nhận đủ tiền trợ giá năm 2018. Bà Thanh kiến nghị thành phố sớm ban hành bộ định mức đơn giá chi phí vận hành xe buýt mới, đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí liên quan cho từng loại xe. Đồng thời, giải quyết ổn thỏa việc chi trả tiền hỗ trợ lãi vay đầu tư xe mới theo Đề án đầu tư 1.680 xe buýt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Trần Chí Trung cho biết, nguyên nhân của việc chậm giải ngân tiền trợ giá là do Trung tâm và các HTX chưa ký được hợp đồng, do các đơn vị cho rằng mức trợ giá thấp, lạc hậu nên không đồng ý ký. Trung tâm đang cố gắng tạm ứng cho các đơn vị vận tải để họ hoạt động. Theo ông Trung, việc xảy ra tại HTX Đông Nam do tài chính của HTX khó khăn từ nhiều năm trước và cách quản lý yếu nên nhiều tài xế đã bỏ chuyến.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho hay, thực tế chi phí nhiên liệu tăng, khấu hao xe mới ra sao… đang được ngành chức năng tính toán lại. Cũng theo ông Cường, mức trợ giá cho xe buýt trong 3 năm gần đây chẳng những không tăng mà còn giảm, vì mỗi năm cũng với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng ngành GTVT đã mở thêm nhiều luồng tuyến mới, đổi mới phương tiện vận tải. TPHCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% (hiện nay là 9,6%) nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt được mục tiêu này, phải mở thêm các luồng tuyến mới, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo kế hoạch, phải mở được ít nhất 80 tuyến/năm để đến cuối năm 2020, số tuyến tăng từ 200 - 220 tuyến so với hiện nay; phương tiện cũng tăng lên khoảng 5.600 xe. |