Chậm GPMB là dự án “treo” phổ biến nhất

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay có gần 4.000 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về tình trạng chậm trễ của các dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), gây không ít khó khăn cho đời sống nhân dân.

GPMB “treo” là dạng phổ biến nhất trong số các quy hoạch, dự án “treo”. Trên thực tế, việc GPMB đối với các dự án có quy mô sử dụng đất lớn thường kéo dài từ 2 đến 5 năm, cá biệt có trường hợp kéo dài tới 10 năm.

Kết quả kiểm tra quy hoạch treo, dự án treo mà Bộ TN-MT vừa trình Chính phủ cho thấy, 61/64 tỉnh thành trong cả nước có 1.288 dự án với diện tích 31.650 ha thuộc trường hợp GPMB “treo”, trong đó có 432 dự án với diện tích 11.056 ha thuộc loại hình xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; 367 dự án với diện tích 7.155ha thuộc loại hình xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xây dựng hạ tầng xã hội; 330 dự án với diện tích 8.787ha thuộc loại hình xây dựng, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn; còn lại là các dự án thuộc loại hình khác. Trong số này có 244 dự án đang có đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân với 3.852 đơn.

Hiện nay, các tỉnh, thành có nhiều dự án đang có đơn, thư khiếu nại, tố cáo là Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn… Các tỉnh có nhiều dự án trong tình trạng “giải tỏa treo” gồm: Hà Nội có 164 dự án với diện tích 1.763ha; TPHCM có 51 dự án với diện tích 2.780ha; Đồng Nai có 121 dự án với diện tích 3.018ha; Bình Dương có 33 dự án với diện tích 678ha… Tính chung, cả nước có 1.649 khu vực quy hoạch với gần 345.000 ha đất được xếp vào diện quy hoạch “treo”.

A.P.

Tin cùng chuyên mục