Cô gái có nụ cười thiệt tươi. Mấy anh chị trong công ty nói sao con nhỏ này lúc nào cũng cười! Hình như hễ có sự có mặt của người khác, Vân luôn kịp chuẩn bị cho mình một bộ dạng tươi tỉnh và vui vẻ. Tôi cũng sẽ nhận xét về em như thế nếu như trong suốt buổi phỏng vấn xin học bổng ngày hôm ấy, tôi không bắt được khoảnh khắc của một thoáng, chỉ một thoáng thôi, mắt em hoe đỏ khi trả lời câu hỏi về lần nói dối đầu tiên…
Đó là buổi phỏng vấn những công nhân vừa đi làm, vừa đi học của Quỹ Hỗ trợ công nhân TPHCM làm cơ sở xét cấp học bổng khuyến khích học tập. Sau khi trả lời hết những câu hỏi thủ tục, giám khảo đề nghị Bùi Tường Vân, công nhân Công ty Organ Needle, KCX Tân Thuận TPHCM, đồng thời là sinh viên ngành Ngoại thương, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế TPHCM kể về lần nói dối đáng nhớ nhất trong đời mình. Câu trả lời của cô gái là: “Khi anh trai em bị tai nạn lao động, em chạy đi vay mượn khắp nơi được 4 triệu đồng đóng cho bệnh viện nhưng khi gọi điện về nhà, em nói dối với ba mẹ đó là tiền em để dành…”.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như gia đình em không hoàn toàn tin vào lời nói dối ấy. Hay ít ra cũng có một thoáng nghi ngờ, một chút băn khoăn về nguồn gốc của món tiền khá lớn so với đồng lương công nhân ít ỏi của con gái mình. Thế nhưng đã không có ai nghĩ cho em như vậy. Vân cười bình thản: Năm 15 tuổi, từ ngày em bước chân ra khỏi nhà, ba mẹ em đã không quan tâm lắm đến việc em làm gì, ở đâu. Với em, tất cả mọi việc, em đã quen nghĩ một mình và làm một mình.
Và câu chuyện về nghị lực của cô gái nhỏ cũng được viết một mình.
Nhật ký
Nhật ký 8 tuổi
Ngày… tháng… năm
Hôm nay nhà bị cháy. Người con bị phỏng mà không ai biết hết. Lúc về thấy nhà cháy thì mẹ xỉu. Mẹ bị xỉu mà cái chú bên hàng xóm lại lấy cái muỗng cạy miệng mẹ, chích vào người mẹ. Con sợ lắm…
Ngày… tháng… năm…
Nhà cháy hết. Người ta cho mượn miếng đất cất nhà. Kiến nhiều lắm. Tối con nằm ngủ dưới đất bị kiến cắn đau quá…
Ngày… tháng… năm…
Mẹ bệnh. Ngày nào cũng thấy ba đem từ trong buồng ra từng thau máu. Con không biết tại sao. Con sợ!
Đó là những trang nhật ký đầu tiên trong cuộc đời của Vân. “Em biết viết nhật ký năm 8 tuổi, sau khi nhà bị cháy. Em thấy gì viết đó nên bây giờ đọc lại rất ngô nghê. Nhớ lại hôm nhà cháy, cả nhà đi vắng hết, bỏ em ở nhà rồi khóa cửa ngoài. Rồi các bác hàng xóm đốt rác. Rác cháy rồi nhà cháy. Em ở trong nhà, cảm nhận rõ cái nóng mà không làm sao thoát ra được. Bác hàng xóm tông cửa bồng em ra, đồ đạc, máy may cháy sạch” - Vân nhớ lại.
Sau khi nhà bị cháy, sản nghiệp mất hết, ba em trở thành con người khác: Nghiện rượu, lầm lì và khó tính. Mẹ lo buồn, sẩy thai rồi bệnh tật triền miên. Không còn cơ sở may gia công, gia đình em chuyển sang làm nông. Hàng ngày, vào 4 giờ sáng, Vân đã phải dậy nấu cơm, cho heo ăn rồi ra ruộng mần cỏ lúa. Chiều đi học về là cơm nước, giặt giũ rồi chằm nón tới khuya. Cuộc sống vất vả khổ nhọc đã khiến ba mẹ không còn thời gian, không còn cả hơi sức để quan tâm hay nói một lời yêu thương, dịu dàng với con mình. Tất cả tâm sự cô bé trút hết vào nhật ký. Và đây là những dòng nhật ký của tuổi 14:
Ngày… tháng… năm…
Ngày nào đến trường nó cũng nghe những lời xì xào, chỉ trỏ về phía nó. Mãi cho đến một hôm, nó nghe nhỏ bạn thủ thỉ: “Sao mày không mặc “phụ tùng” mà để tụi nó bàn tán hoài vậy? Nó không hiểu “phụ tùng” là cái gì. Cho đến lúc hiểu được, nó sượng chín cả người. Sao mẹ nó vô tâm đến vậy. Lần đầu tiên trong đời, nó khóc vì xấu hổ và thất vọng…
Năm Vân học hết lớp 9, ba bắt Vân nghỉ học. May mà có một ông bác là bạn cũ của ba đến, thấy điểm học tập của Vân cao nên xin đem em về phụ giúp việc nhà và cho đi học tiếp. Thế nhưng, gia đình người bác quá phong kiến. Nhật ký viết: “Bác cấm không cho nó mặc áo dài trắng đi vào cửa trước. Hàng ngày, ngoài những lúc lên dọn dẹp thì không được bén mảng lên nhà trên. Những đêm khuya ngồi dưới ngọn đèn mờ, nó lại đau lòng khi nghe những lời than phiền về tiền bạc vọng xuống từ nhà trên”. Năm lớp 11, Vân dọn ra chùa Giác Huệ ở Dầu Giây. Sư cô trong chùa cho Vân đứng lớp dạy chữ cho một nhóm trẻ con. Em tốt nghiệp lớp 12 với tấm bằng loại khá.
Vân lên Đà Lạt gặp người chị họ để tìm cách vừa đi làm, vừa ôn thi vào đại học. Em may mắn được một bà cụ cho về ở nhờ và phụ việc nhà. Bà tốt nhưng khắc nghiệt. Hàng đêm, em phải thức xoa bóp chân cho bà tới 2 - 3 giờ sáng. 18 tuổi, đang tuổi ăn tuổi ngủ, mỗi khi chịu không nổi mà ngủ gục, Vân lại bị đòn. Một lần pha trà không đúng ý, bà cụ hắt luôn ly nước nóng vào người em. Mỗi lần bà đánh bài thua là mỗi lần Vân bị chì chiết thậm tệ. Bức bối, Vân đánh liều bắt xe vào Sài Gòn - một Sài Gòn náo nhiệt và xa lạ. Kết thúc quãng đời đi học, bắt đầu bước vào bươn chải với cuộc đời. Trang nhật ký cuối cùng viết cho quãng đời đi học của Vân chỉ vỏn vẹn có 1 câu: “Phần kết của một quá khứ sẽ là một chuỗi ngày đầy quyết tâm!”.
Bươn chải
Lên tới Sài Gòn, nơi đầu tiên Vân vào làm là một quán hủ tiếu đối diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Một lần, nghe người đồng hương rủ, Vân nộp đơn xin vào KCX Tân Thuận làm công nhân…
Nhìn vào thời gian biểu và cường độ làm việc của Vân, nhiều người sẽ không nghĩ cô gái gầy gò này có thể kham nổi. Sáng: 6 giờ thức dậy, ăn gói xôi rồi vào ca. Chiều: 4 giờ 30 tan ca, để bụng đói đạp xe qua 2 con dốc của cầu Tân Thuận rồi cầu Khánh Hội để đến Trường Đại học KHXH-NV học vi tính. Tối 10 giờ đạp xe hơn 10km về phòng trọ ở quận 7, tắm rửa, giặt giũ ăn uống qua loa rồi học bài tới gần 1 giờ sáng. Đó là lịch làm việc của các ngày thứ hai, tư, sáu. Còn thứ ba, năm, bảy hàng tuần, nếu không phải đi học, Vân đến phụ bán cơm tại một quán ăn cho đến 12 giờ khuya mới về.
Tiền công hàng tháng là 300.000 đồng và 3 bữa cơm. 3 bữa cơm được trừ vào tiền công, đồng nghĩa với việc có 3 buổi tối trong tuần Vân không phải giở sổ chi tiêu hàng ngày ra cộng cộng tính tính, rà xe rồi tần ngần đứng trước hàng cơm đêm, suy đi tính lại một hồi mới dám ăn một dĩa cơm sao cho khớp với số tiền còn được phép sử dụng trong ngày. Lúc mới vào công ty, tiền lương của Vân chỉ được 900.000 đồng/tháng. Mỗi năm tăng thêm từ 100.000 - 150.000 đồng. “Năm nào em cũng được xếp loại lao động giỏi vì không khi nào em nghỉ phép, đi trễ. Công ty cho tăng ca bao nhiêu, em đăng ký ở mức cao nhất để kiếm tiền”. Chật vật, kham khổ nhưng Vân rất ham học. Lấy được bằng B vi tính, Vân lại đăng ký học tiếng Nhật. Sau 6 tháng học tiếng Nhật, công ty có tổ chức đợt thi để tuyển nhân viên nhập liệu vào máy vi tính. Vân được chọn.
“Từ ngày được rút lên khâu nhập liệu, làm việc chung với các anh chị đều đã có bằng đại học, em khao khát được học tiếp. Và em đã vạch ra kế hoạch để thực hiện ước mơ của mình” - Vân tâm sự. Muốn vừa làm vừa kham nổi 4 năm đại học, trước hết phải có xe máy để đi. Vậy là lại bắt đầu chuỗi ngày tăng ca cật lực, ăn uống dè sẻn. Hễ ngày nào hết việc ở công ty, Vân lang thang ra các quán cơm, tiệm phở xin làm phục vụ bàn. 1 năm sau, Vân mua được chiếc xe máy với giá 13 triệu đồng.
Đến kỳ thi đại học, Vân đăng ký thi vào ngành Ngoại thương, Đại học Kinh tế TPHCM và đậu với số điểm khá cao: 23 điểm. Đậu vào đại học, cô gái lại đối đầu với những nỗi lo mới về tiền học phí, tiền sách vở, chưa kể đi học thì không thể tăng ca. May nhờ được vay 3 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ công nhân TP, Vân đóng được học phí của năm thứ nhất. Số nợ đó, em đã trả được 2,4 triệu đồng. “Tháng này, em phải làm sao trả hết 600.000 đồng cho quỹ, thêm 500.000 đồng tiền góp trả món nợ hồi anh hai bị tai nạn. Còn lại mới dám nghĩ tới chuyện tiêu xài, ăn uống. Còn chưa đầy tháng là hết hạn đóng học phí, nếu không sẽ bị cấm thi. Em lại đang phải nghỉ làm ở quán ăn 1 tháng rưỡi để lấy bằng B Anh văn nộp cho trường đại học. Em đã tính nếu kẹt quá thì lại đi vay tiền bên ngoài” - Vân giở sổ chi tiêu rồi lo lắng thông báo.
5 năm nay, vào tầm 10 giờ – 0 giờ 30 hàng đêm, lối về dẫn vào con hẻm nhỏ trên đường Lý Phục Man, quận 7, TPHCM đều có một chấm sáng đi về. Đó là ánh sáng từ chiếc đèn pin của những ngày Vân còn đi xe đạp và giờ là ánh đèn xe máy. Và trong căn phòng trọ nhỏ, khi ngày mới đã bắt đầu, khi bạn bè còn đang ngon giấc, có một quầng sáng nhỏ phát ra từ chiếc đèn bàn con con vẫn soi lên từng trang sách. Chấm sáng bền bỉ trong đêm chờ đợi một ngày mai sáng hơn!
13 năm xa nhà là 13 năm Vân trải lòng mình trong hàng chục quyển nhật ký. Cô công nhân giỏi toán, lý, hóa mà viết nhật ký sâu sắc đến lạ lùng. Không chỉ viết nhật ký, Vân còn viết truyện, làm thơ. Tôi bất ngờ khi biết được rằng từ ngày em lên Sài Gòn sống, chưa một lần em nhận được một lá thư, một cuộc điện thoại hay một lời hỏi thăm từ gia đình. “Từ nhỏ tới lớn, mẹ em cũng chưa từng mua cho em một chiếc vòng, một cái cột tóc hay bất cứ thứ gì để em nghĩ rằng mẹ quan tâm đến em. Từ năm 2004 tới nay, em chưa dám mua một bộ quần áo mới. Tháng nào không phải góp nợ, em ráng ky cóp thì được khoảng 500.000 – 700.000 đồng nhưng rồi cũng gởi về nhà. Sau này, nếu có khá giả, em vẫn muốn ba mẹ và gia đình có một cuộc sống đỡ vất vả hơn”. Nghe tới đây, tôi hiểu vì sao những mẩu truyện, bài thơ của Vân thường mang những cái tên giản dị mà ấm áp dù cuộc đời em vẫn chưa thôi lặng lẽ, chưa hết một mình: Mẹ tôi, Nhớ mẹ, Ơn chị, Thương chị, Anh Hai tôi, Hình bóng chị… |
MAI HƯƠNG