Trước giờ, khi nhắc đến các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật, người ta thường hình dung ra một nơi bàn chuyện học thuật cao siêu. Thế nhưng, gần đây các hội bắt đầu chuyển hướng, quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống, đầu tiên là chuyện “văn hóa lai căng” vốn là nỗi nhức nhối chung của toàn xã hội.
Hâm mộ lố lăng
Trong một cuộc họp của Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, nhà văn Bích Ngân cho rằng trong các văn bản của liên hiệp, khi đề cập đến những vấn đề bức xúc của văn hóa hiện nay, từ ngữ sử dụng vẫn quá chung chung, kiểu “xu hướng lệch lạc”, “văn hóa lai căng”… Nhà văn cho rằng, đã đến lúc thay vì nói mơ hồ, nên có một sự rõ ràng cụ thể, để từ đó mới có thể thực sự có những giải pháp trực tiếp.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến đề cập đến vấn đề này một cách cụ thể. Ông dẫn chứng câu chuyện có bạn trẻ trong nước, thần tượng một nghệ sĩ nước ngoài đến nỗi khi người đó qua Việt Nam, bạn trẻ này đã tìm mọi cách để được hôn mặt chiếc ghế nơi người nghệ sĩ kia ngồi. Những câu chuyện như vậy bây giờ không phải chuyện hiếm. Cộng đồng mạng đã từng xôn xao không ít lần vì những phát biểu gây sốc của người hâm mộ.
Khi ban nhạc Hàn Quốc Super Junior đến Việt Nam, có bạn trẻ hâm mộ đã đòi “từ” cha mẹ vì cấm mình đi xem các thần tượng, có bạn còn tuyên bố: “Nếu cả thế giới phản bội Suju thì chúng em sẽ phản bội cả thế giới”. Hình ảnh những bạn trẻ vạ vật ở sân bay đón thần tượng nước ngoài, khóc lóc thảm thương khi được thần tượng liếc nhìn một cái, ngất lên ngất xuống khi được sờ vào người thần tượng… đã trở nên quen thuộc ở một bộ phận giới trẻ.
Ảnh hưởng của các kiểu hâm mộ lố lăng đó đã lan đến cả giới biểu diễn, hàng loạt nhóm nhạc trẻ bắt chước các nhóm nhạc Hàn với đủ loại chiêu trò mà đôi khi gây phản cảm với đa số khán giả nhưng lại thu hút được một số ít bạn trẻ vốn quá hâm mộ nhóm nhạc kiểu Hàn.
Trước hình ảnh này, một bộ phận bạn trẻ khác đã có cách phản ứng là tổ chức chống lại các trò hâm mộ quá lố (anti-fan). Tuy nhiên, do đều còn khá trẻ nên cách anti-fan của nhiều bạn đã trở nên cực đoan, dẫn đến những cuộc tranh cãi, chửi bới giữa hai phe từ trên mạng đến cả trong cuộc sống, trường học, tạo ra bầu không khí không thân thiện và thiếu văn hóa.
Chấn chỉnh đội ngũ nghệ sĩ
Giới trẻ đã tự chống lại nhưng cách chống theo kiểu chửi bới cũng gây hại chả kém cách hâm mộ lố lăng. Trong khi đó, việc định hướng thẩm mỹ cho các bạn trẻ hầu như chưa có, mới chỉ dừng lại ở các biện pháp như phản ánh, phê phán, trách móc… Đặc biệt, giới văn nghệ sĩ hầu như chưa thực sự bước vào lĩnh vực này, các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn còn xa cách với nhiều vấn đề nóng của cuộc sống.
Chính vì thế, việc Liên hiệp các Hội VHNT kêu gọi hội viên bắt tay vào các hành động thực tiễn được coi là một bước tiến đáng khích lệ. Ngay lập tức, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã đóng góp một ý kiến đầy thiết thực khi ông cho rằng việc đầu tiên và nhanh nhất mà các hội chuyên ngành nên làm chính là chấn chỉnh đội ngũ ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ TP, những người của đám đông, có ảnh hưởng không nhỏ đến khán giả. TPHCM có đội ngũ nghệ sĩ đông đảo, đồng thời cũng là nơi xảy ra rất nhiều sự cố của giới nghệ sĩ, tạo cái nhìn không hay nơi khán giả.
Thế nhưng, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho rằng, việc chấn chỉnh giới biểu diễn như tập trung các nghệ sĩ vào các lớp giáo dục chính trị, trách nhiệm xã hội là không hiệu quả. Thực tế, nhiều người tham gia lớp chỉ được 30 phút là cáo bận. Theo ông, nên có cách giáo dục trực quan, hấp dẫn hơn như tổ chức cho nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế tìm cảm xúc, tham quan các địa danh truyền thống cách mạng như địa đạo Củ Chi, Côn Đảo, Phú Quốc… Ở đó, họ có thể vừa học được lịch sử đấu tranh của dân tộc, vừa có dịp trao đổi, thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, hoặc thư giãn tích cực nhằm tái tạo khả năng lao động nghệ thuật.
TƯỜNG VY