Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân tại TPHCM

Chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động

Tại buổi tổng kết thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về việc củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn TP do NHNN TPHCM tổ chức ngày 16-5, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động của các QTDND trên địa bàn TP đã từng bước lớn mạnh, hỗ trợ tích cực người nghèo, đặc biệt là các vùng nông thôn ngoại thành.
Chấn chỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động

Tại buổi tổng kết thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về việc củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn TP do NHNN TPHCM tổ chức ngày 16-5, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, hoạt động của các QTDND trên địa bàn TP đã từng bước lớn mạnh, hỗ trợ tích cực người nghèo, đặc biệt là các vùng nông thôn ngoại thành.

  • Góp phần hạn chế cho vay nặng lãi

Theo báo cáo của NHNN TPHCM, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 57, hệ thống QTDND trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Tính đến hết năm 2011, trên địa bàn TP có 9 QTDND được cấp phép thành lập thêm, nâng tổng số lên 18 QTDND, tổng nguồn vốn đạt hơn 873,8 tỷ đồng, tăng 1.637% so với năm 2000; dư nợ cho vay đạt gần 777 tỷ đồng, tăng 1.562% so với năm 2000; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 1,15% tổng dư nợ…

Ông Vương Văn Quý, Giám đốc QTDND Hiệp Bình (quận Thủ Đức) cho biết, QTDND Hiệp Bình Chánh huy động nguồn vốn tại chỗ rất tốt. Đến nay, QTDND Hiệp Bình đã cho thành viên trên địa bàn vay khoảng 80 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống. “Với điều kiện thủ tục và giải quyết trong thời gian nhanh nhất, chúng tôi đã tạo điều kiện để người dân nghèo không thể tiếp cận vốn ngân hàng được vay để làm ăn, góp phần đẩy lùi các tệ nạn cho vay nặng lãi, hụi hè” - ông Quý nói.

Bà Võ Thị Thu Hồng, Giám đốc QTDND Chợ Lớn bổ sung thêm, QTDND Chợ Lớn đa số cho vay ở các chợ, trung tâm thương mại nên đã góp phần hạn chế việc các tiểu thương nhỏ phải vay nặng lãi. Tuy nhiên, theo bà Hồng, hiện quy mô nguồn lực tài chính cũng như các dịch vụ kèm theo của QTDND còn thấp và có nhiều hạn chế nên QTDND gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Từ đó, bà Hồng kiến nghị nên tăng mức chênh lệch đối với trần lãi suất huy động giữa hệ thống QTDND với các NHTM là 1% điểm so với hiện nay là 0,5% điểm.

NHNN chi nhánh TPHCM và các QTDND đề nghị Chính phủ giảm 50% thuế thu nhập DN. NHNN TPHCM cũng kiến nghị Thống đốc NHNN sớm ban hành cơ chế hỗ trợ hoạt động đối với hệ thống QTDND để các QTDND được thực hiện việc cho vay ưu đãi theo chủ trương của nhà nước, được nhà nước hỗ trợ vốn, bù phần lãi suất chênh lệch cho vay ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ.

  • Chấn chỉnh các QTDND biến tướng

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, trong 18 QTDND hiện nay trên địa bàn TP, có 9 QTDND hoạt động hiệu quả, tốc độ tăng trưởng từ 10% - 30%/năm, 9 QTDND còn lại được thành lập từ năm 2005, do mới bước đầu hoạt động chưa có chuyên môn, kinh nghiệm nên một số QTDND đã phát sinh yếu kém và có nhiều sai phạm.

Nếu QTDND hoạt động tốt sẽ giúp tiểu thương không vay nóng, hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Ảnh: CAO THĂNG

Nếu QTDND hoạt động tốt sẽ giúp tiểu thương không vay nóng, hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết mặc dù dư nợ của các QTDND trên địa bàn TP khoảng 1.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với dư nợ của hệ thống NHTM khoảng 700.000 tỷ đồng nhưng đây là nguồn vốn rất quý để giúp người dân nghèo có vốn sản xuất kinh doanh để từ đó thoát nghèo. “Đây là mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhất, cần đẩy mạnh trong tương lai để hỗ trợ vốn tích cực hơn với người nghèo” – ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh. 

Theo ông Trần Minh Tuấn hiện nay đang có xu hướng các QTDND lớn hoạt động như một NHTM, do đó, cần phải xử lý nghiêm khắc nếu không sẽ phá vỡ tôn chỉ và ý nghĩa của các QTDND. Đây là hiện tượng biến tướng, không lành mạnh nên phải chấn chỉnh ngay. TPHCM là một địa bàn lớn với nhiều nguồn vốn, do đó cần phải lưu ý, không để những biến tướng này xảy ra sẽ rất nguy hiểm vì thực chất các tổ chức này hoạt động không phải vì cộng đồng, chủ yếu kinh doanh tiền tệ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, mô hình quỹ vẫn còn rất nhỏ, nguồn nhân lực còn yếu kém, một số QTDND hoạt động chưa tuân thủ quy định của pháp luật, nhiều QTDND trên địa bàn vẫn chưa kết nối được với các cấp chính quyền địa phương nên hiệu quả hoạt động của quỹ chưa cao. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Hồng đề nghị NHNN chi nhánh TPHCM cần nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại của hệ thống QTDND tại TPHCM để kiến nghị những giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm phát triển mô hình này một cách hiệu quả. “Nên mạnh dạn tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả để dồn sức cho các quỹ hoạt động hiệu quả” - đồng chí Nguyễn Thị Hồng đề nghị.

NHUNG NGUYỄN

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết việc thành lập ngân hàng rất khó nên có một bộ phận đã tham gia vào QTDND để kinh doanh. Hiện NHNN đã phát hiện khoảng 30 QTDND trên cả nước với quy mô hàng trăm tỷ đồng chỉ với khoảng 3 - 4 người góp vốn với khoảng 10 tỷ đồng/QTD, huy động và cho vay lên đến vài trăm tỷ đồng trong đó thực chất là đổ vốn cho vay bất động sản.

Tin cùng chuyên mục