Trong tháng 11-2012, tại địa bàn quận Thủ Đức, TPHCM đã xảy ra 2 trường hợp chích và uống vaccine quá liều. Trước đó, cũng trên địa bàn này xảy ra một vụ tử vong do tiêm ngừa vaccine. Phóng viên Báo SGGP đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức về vấn đề này.
* PV: Tháng 11 vừa qua, trên địa bàn quận Thủ Đức TPHCM đã xảy ra 2 vụ chích và cho uống vaccine quá liều, nguyên nhân bắt nguồn từ cách làm cẩu thả, thiếu trách nhiệm và sai quy trình của nhân viên y tế cơ sở. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?
* Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Theo Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức, trong đợt tiêm chủng vaccine cho trẻ diễn ra trong tháng 11-2012, đã có 2 sự cố ngoài ý muốn và được xác định có lỗi của nhân viên y tế. Trường hợp thứ nhất xảy ra tại Trạm y tế phường Bình Thọ, nhân viên Trạm y tế khi chích ngừa vaccine đã không hỏi kỹ thông tin trẻ trước khi tiêm vaccine nên đã tiêm mũi tiêm vaccine Quinvaxem (vaccine phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ Hib) thứ 2 cho một cháu bé mới vài tháng tuổi ngay trong cùng buổi sáng. Trường hợp thứ 2 xảy ra cùng ngày với trường hợp thứ nhất tại Trạm y tế phường Bình Chiểu. Do không kiểm tra đối chiếu hồ sơ nên khi phụ huynh đưa trẻ đến uống vaccine ngừa OPV (vaccine phòng bệnh bại liệt), nhân viên trạm y tế đã cho trẻ uống vaccine này lần thứ 2.
* Tình hình sức khỏe của 2 cháu bé hiện nay ra sao? Việc uống và chích quá liều vaccine ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của trẻ?
* Dù đến nay chưa có tài liệu, thông tin về việc dùng vaccine quá liều. Tuy nhiên cần phải theo dõi các phản ứng sau tiêm của từng loại vaccine. Đối với OPV: Theo dõi phản ứng liệt mềm cấp xảy ra trong 4 ngày sau uống. Còn đối với Quinvaxem: Theo dõi dấu hiệu co giật, hội chứng não xảy ra trong 2 ngày sau tiêm. Trường hợp tiêm quá liều Quinvaxem, đơn vị đã họp kiểm điểm và khiển trách nhân viên sai sót và nhận lỗi trước người nhà của trẻ. Diễn tiến của 2 cháu bé sau khi chích, uống vaccine là sốt dao động từ 38 - 39oC, sau đó bé bú được, trương lực cơ bình thường, hết sốt, không co giật, không ói. Hiện sức khỏe của hai cháu bé đang ổn định, chúng tôi vẫn phối hợp với người nhà để theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm đúng quy định và đã có báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Sở Y tế thành phố.
* Diễn tiến ca tử vong do phản ứng sau tiêm vaccine tại phường Linh Trung như thế nào? Đến nay vụ việc giải quyết ra sao? Qua rà soát có phát hiện nguyên nhân của nhân viên y tế?
* Theo ghi nhận, khoảng 9 giờ sáng ngày 23-10-2012, tại Trạm y tế phường Linh Trung, bé Nguyễn Phan Trung Dũng được bác sĩ khám chỉ định tiêm Quinvaxem và uống OPV lần 2, sau 30 phút theo dõi tại trạm y tế sau tiêm, bé ổn định và được cho về. Tuy nhiên, khi về nhà bé có quấy khóc, khó chịu, bú ít, mẹ cảm thấy sốt nên có cho bé uống thuốc hạ sốt 2 lần trong ngày, lần 1 vào lúc 10 giờ 30, lần 2 vào lúc 18 giờ. Sau khi uống thuốc lần 2 khoảng 30 phút thấy bé khó thở, tím tái, gia đình chở đến phòng mạch tư khám và được hướng dẫn chuyển đến Bệnh viện Quận 9. Tại đây, bác sĩ ghi nhận bé nhập viện trong tình trạng mất ý thức, da tím, môi tím mạch huyết áp không đo được, ngưng tim, ngưng thở. Chẩn đoán ngưng tim ngưng thở/hội chứng Down. Trung tâm Y tế dự phòng Thủ Đức và Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã điều tra tình hình của trẻ tại Trạm y tế Linh Trung, Bệnh viện quận 9 và tại gia đình trẻ, photo tất cả giấy tờ có liên quan về biên bản giao nhận vaccine, lô, hạn dùng, nhiệt độ bảo quản vaccine…
Hiện vụ việc đang chờ thành lập hội đồng đánh giá. Cần lưu ý trong trường hợp này là trẻ đã từng được tiêm Quinvaxem và uống OPV lần 1 tại trạm y tế nhưng không có phản ứng nặng sau tiêm. Diễn tiến sau tiêm không ghi nhận có bất thường, ngoài những triệu chứng chung của phản ứng sau tiêm như quấy khóc, khó chịu, bú ít, sốt. Vụ việc cần phải được xem xét với sự cảm thông và chia sẻ trên nhiều bình diện. Bên cạnh đó, khả năng bé Trung Dũng đã được chẩn đoán hội chứng Down ở bệnh viện tuyến trên nhưng vì lý do nào đó người nhà đã không chủ động khai báo cho nhân viên trạm y tế phường biết. Mặt khác, hội chứng Down không phải bệnh lý chống chỉ định tuyệt đối trong tiêm chủng.
* Quy trình tiêm chủng hiện đang thực hiện ở Thủ Đức như thế nào? Hướng chấn chỉnh sau khi xảy ra sự những cố trên ra sao?
* Hiện tại 12 trạm y tế trực thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Thủ Đức thực hiện quy trình tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Y tế dự phòng như: Nộp sổ lục phiếu - cân đo - chuyển sổ và phiếu lưu tiêm chủng cho bác sĩ khám sàng lọc - bác sĩ tư vấn và chỉ định mũi tiêm - trẻ được chuyển sang bàn tiêm ngừa kiểm tra đối chiếu chỉ định của bác sĩ - nhắc lại một lần nữa cho bà mẹ biết hôm nay con mình được tiêm ngừa mũi gì - cập nhật mũi tiêm vào sổ và phiếu tiêm chủng trẻ - hướng dẫn bà mẹ ngồi chờ theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút - sau 30 phút theo dõi, sổ tiêm ngừa được đóng mộc đã theo dõi ổn định sau tiêm và trả sổ cho bà mẹ - hẹn lịch tiêm lần kế tiếp.
Việc sai sót trong tiêm chủng là điều có thể xảy ra với những nhân tố chủ quan và khách quan. Sau khi xảy ra những sự cố trên, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Thủ Đức đã chỉ đạo khoa Kiểm soát dịch bệnh thực hiện thường xuyên việc giám sát tiêm chủng tại các trạm y tế và việc giám sát luôn được thực hiện nghiêm túc, có báo cáo với thủ trưởng đơn vị.
* Xin cảm ơn ông.
TIẾN ĐẠT