Chấn chỉnh và xử lý đơn vị chậm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo

Cần sửa luật cho phù hợp thực tế
Chấn chỉnh và xử lý đơn vị chậm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo

Thái độ tiếp dân còn chưa tốt, đôi khi ứng xử thiếu tế nhị, thậm chí một số trường hợp hiểu biết pháp luật còn hạn chế của cán bộ cơ sở đã đẩy người dân vào tình trạng khiếu nại vượt cấp. Ông Hoàng Đức Long (ảnh), Phó Chánh Thanh tra Thường trực Thanh tra TPHCM, đã thẳng thắn nhìn nhận như vậy sau đợt thanh tra việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo (KN-TC) năm 2008 và quý 1 năm 2009 tại 10 đơn vị (Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, các quận huyện 2, 6, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh).

Cần sửa luật cho phù hợp thực tế

° PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thanh tra 10 sở ngành, quận huyện đợt này?

° Ông HOÀNG ĐỨC LONG: Kết quả thanh tra cho thấy các đơn vị này đạt được một số mặt tích cực như: phổ biến, tuyên truyền pháp luật về KN-TC hiệu quả hơn, giúp CB-CC và người dân nâng cao nhận thức để thực hiện đúng quy định; công tác tiếp công dân được duy trì tốt với 11.903 lượt tiếp; việc tổ chức thực hiện các giải quyết KN đạt kết quả khả quan.

° Thế nhưng vì sao số lượng đơn KN-TC tồn vẫn còn nhiều?

° Phải thừa nhận là còn nhiều. Trong đó, nhiều đơn vị để thời gian giải quyết đơn KN-TC kéo dài, vi phạm luật định (696/1.790 trường hợp, tỷ lệ 38,9%), đơn thư tồn đọng quá hạn giải quyết chiếm tỷ lệ 54,56%. Trong đó tập trung nhiều nhất vào các vụ việc tranh chấp, bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư. Cụ thể, đến hết quý 1 năm 2009, số đơn tồn ở quận 2 là 267, trong đó có 129 đơn quá hạn; quận Thủ Đức có 127 đơn vi phạm thời gian giải quyết, trong đó có 33 đơn quá hạn; Sở TN-MT có 44 đơn thư quá hạn… Cái vướng lớn nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan giải quyết KN chưa tốt. Chẳng hạn, cơ quan giải quyết KN lần đầu thường không gửi báo cáo kèm hồ sơ, tài liệu về vụ việc cho cơ quan giải quyết khiếu nại lần hai trong thời gian 10 ngày theo yêu cầu, mà thường mất 20 - 30 ngày. Dù đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng “căn bệnh” này vẫn chưa chữa dứt được.

Đối thoại giữa người dân với chính quyền quận 12 TPHCM về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: HOÀI NAM

Đối thoại giữa người dân với chính quyền quận 12 TPHCM về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: HOÀI NAM

° Tình trạng người dân KN vượt cấp vẫn còn nhiều. Do dân hay do cơ quan Nhà nước?

° Ngoài việc người KN-TC không am hiểu pháp luật, có tâm trạng nôn nóng muốn đơn thư của mình được giải quyết ngay thì điều quan trọng không kém là chất lượng tiếp dân, giải quyết KN-TC của cơ sở chưa tốt như tỷ lệ giải quyết quá hạn luật định còn nhiều, số lượng đơn tồn đọng tỷ lệ cao… dẫn đến bức xúc của người dân.

Một nguyên nhân khác là các quy định của pháp luật không thống nhất. Qua các lần sửa đổi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, số lượng vụ việc tòa án có thẩm quyền giải quyết ngày càng tăng nhưng chỉ dừng lại ở một số loại việc nhất định. Điều này mâu thuẫn với cơ chế giải quyết KN hiện nay là một vụ việc KN được giải quyết tối đa ở 2 cấp hành chính và người KN có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân trong các lần giải quyết KN của cơ quan hành chính.

Như vậy, những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa hành chính, người dân đương nhiên bị giới hạn quyền khởi kiện ra tòa. Hay Luật Đất đai quy định thời hiệu KN là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính, trong khi đó Luật KN-TC lại quy định thời hiệu KN là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính… Những bất cập trên làm cho tình trạng KN tràn lan, vượt cấp và kéo dài trong thời gian qua. Theo tôi, để chấn chỉnh thì phải bắt đầu từ gốc, nghĩa là phải sửa luật; TPHCM đã có nhiều kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.

Bị can thiệp và chưa chấp hành đúng quy định đối thoại!

° Theo phản ánh của nhiều sở ngành, quận huyện thì hiện nay tình trạng đơn vị đang xử lý đơn thư KN-TC thì “đột nhiên” có văn bản từ Trung ương can thiệp nên vụ việc phải dừng lại, dẫn đến chậm trễ, vi phạm. Thực hư ra sao, thưa ông?

° Đúng là hiện nay tình trạng này có chiều hướng gia tăng và cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng giải quyết đơn KN vượt cấp. Qua đợt thanh tra, các địa phương phản ánh có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm, có kết luận chỉ đạo thực hiện của Thủ tướng Chính phủ, sở ngành hoặc quận huyện đang thực hiện thì cơ quan Trung ương có quan điểm giải quyết khác, vụ việc phải tạm ngưng chờ ý kiến chỉ đạo. Hoặc có những vụ việc đã có quyết định giải quyết KN cuối cùng, đang lên kế hoạch thực hiện thì tổ công tác của bộ ngành Trung ương vào kiểm tra, vụ việc phải tạm ngưng chờ kết luận.

Theo thống kê đến tháng 8-2009, có 37 quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực phải thực hiện nhưng khi có các đoàn kiểm tra xem xét của bộ ngành Trung ương thì quận huyện phải chờ nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản kết luận, trong đó đặc biệt có 21 quyết định đã có hiệu lực từ năm 2004 trở về trước. Cá biệt có những việc mới đang thụ lý nhưng đối tượng phản ánh lên trên và có văn bản can thiệp, chờ hướng dẫn nên quận huyện cũng phải ngưng lại.

° Gặp gỡ đối thoại với đương sự khi giải quyết đơn KN lần đầu là quy định góp phần kéo giảm tình trạng KN vượt cấp. Tuy nhiên người dân phản ánh, hiện các địa phương thực hiện việc này không nghiêm túc…

° Đúng là một số cấp chính quyền và cơ quan chưa nghiêm chỉnh thực hiện quy định gặp gỡ, đối thoại với dân, trong khi đây là kênh hữu hiệu để giảm đơn thư KN vượt cấp. Thời gian qua, một số chính quyền địa phương thực hiện quy định này còn hình thức, thậm chí “bỏ trắng”. Qua thanh tra cho thấy nếu quận huyện, xã phường nào chịu tiếp xúc, đối thoại với dân sẽ hạn chế được tình trạng KN vượt cấp. Cụ thể là thời gian qua, các đơn vị trên đã hòa giải thành 164/386 trường hợp tranh chấp trong lĩnh vực nhà đất, đây là tín hiệu tích cực. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ thúc các quận huyện, sở ngành thực hiện tiếp xúc, đối thoại nhiều hơn vì quy định đã có.

Ngày 15-9-2009, Chủ tịch UBND TP đã thông qua Báo cáo Kết luận thanh tra thực hiện Luật KN-TC tại 10 đơn vị (7 quận huyện, 3 sở ngành), UBND TP chỉ đạo các quận huyện, sở ngành phải khẩn trương khắc phục, chấn chỉnh các thiếu sót trước ngày 15-11-2009, báo cáo UBND TP, trong đó lưu ý 3 đơn vị: quận 2, quận 6, Sở Tài nguyên và Môi trường phải kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với khuyết điểm tồn tại đã nêu trong kết luận thanh tra.

° Xin cảm ơn ông

ÁI CHÂN – HỒNG HIỆP thực hiện

Tin cùng chuyên mục