Chấn chỉnh việc quản lý sử dụng vốn nước ngoài

Ngày 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 5 sau 3,5 ngày làm việc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên họp đã kết thúc với một số lượng lớn công việc; đồng thời kêu gọi các địa phương, bộ ngành tập trung có những giải pháp khắc phục hậu quả để giúp đồng bào sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Ngày 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp thứ 5 sau 3,5 ngày làm việc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên họp đã kết thúc với một số lượng lớn công việc; đồng thời kêu gọi các địa phương, bộ ngành tập trung có những giải pháp khắc phục hậu quả để giúp đồng bào sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ

Trước phiên bế mạc, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về Tờ trình số 496/TTr-CP ngày 25-10-2016 của Chính phủ về việc bổ sung và điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, và báo cáo thẩm tra về vấn đề này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS).

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, đến nay đã gần kết thúc năm 2016 song tiến độ giải ngân của nhiều bộ, ngành, địa phương đạt rất thấp so với kế hoạch đã giao (có 10 bộ, ngành trung ương và 26 địa phương đến hết ngày 30-11-2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch); một số bộ, ngành, địa phương được phân giao vốn song lại không có nhu cầu sử dụng; một số dự án chưa hoàn thành thủ tục, chưa bảo đảm điều kiện để phân bổ vốn; một số bộ, ngành không có khả năng thực hiện, giải ngân...

Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài trong các năm qua còn nổi lên nhiều bất cập, bố trí vốn chưa sát với tình hình thực hiện, công tác điều hành, tổng hợp số liệu, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ.

Theo Thường trực Ủy ban TCNS, tình trạng không giải ngân, đọng vốn chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng vốn. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân nguồn vốn nước ngoài năm 2016 và các năm tới.

Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với các nguyên tắc, tiêu chí cắt giảm kế hoạch vốn và kết quả rà soát, cắt giảm vốn như Chính phủ trình, song một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh như phương án Chính phủ trình còn mang tính cơ học. Việc cắt giảm, điều chuyển vốn phải căn cứ vào khả năng giải ngân của từng dự án để đảm bảo tính hợp lý, sát thực tế. Việc cắt giảm vốn nếu chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo tiến độ giải ngân chung của bộ, ngành, địa phương (với số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm là 2.920,14 tỷ đồng) sẽ dẫn đến tình trạng một số dự án đang có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, cần tiếp tục đầu tư, hoàn thành sẽ bị thiếu vốn, dở dang.

Cấp vốn cho hai ngân hàng phải đúng luật

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến tại phiên họp quan tâm đến đề xuất cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.782,509 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội 2.700 tỷ đồng, lấy từ nguồn bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, các hiệp định vay vốn nước ngoài năm 2016 đã được ký kết gắn với nhiệm vụ của từng chương trình, dự án cụ thể nên việc điều chỉnh này là chưa bảo đảm tuân thủ các hiệp định đã ký kết và các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ quan điểm này: “Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng”. Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tuy đồng tình với sự cần thiết cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng, nhưng theo ông, nếu sử dụng ngân sách 2016 thì “không phù hợp về nguồn vốn, có thể sử dụng vốn 2017, nhưng phải điều chỉnh để đưa vào kế hoạch”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng đúng luật. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành, vì chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm, mà bây giờ mới trình điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm. Bên cạnh đó, không chỉ năm 2016 mà nhiều năm qua tình trạng giải ngân vốn nhà nước chậm, quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập (chưa sát tình hình, thậm chí có đơn vị không có nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện vẫn phân bổ, một số nơi giải ngân vượt thì chưa được giải trình rõ nguyên nhân...) vẫn chưa được khắc phục.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục