Khám và chẩn đoán đúng bệnh là yếu tố quyết định kết quả điều trị cho người bệnh. Thế nhưng, do chủ quan hoặc khách quan, công đoạn này thực hiện chưa nghiêm túc dẫn đến không ít sự cố đáng tiếc.
1. Vụ việc khiến báo giới và dư luận quan tâm gần đây là việc gia đình chị H.C.T. kiện Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cắt mất cả 2 quả thận khiến chị phải chạy thận nhân tạo. Theo đánh giá của hội đồng khoa học, bệnh nhân vào viện vì thận trái ứ nước rất to, có sỏi gây mất chức năng, chỉ định phẫu thuật bỏ thận trái là đúng chuyên môn và bố trí kíp nội soi phù hợp. Tuy nhiên, do việc chẩn đoán hình ảnh ban đầu không đầy đủ, không chẩn đoán được chị T. có thận hình móng ngựa (một dị dạng thận hiếm gặp) nên đã để xảy ra sai sót ngoài ý muốn.
Vụ việc cho thấy vai trò của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là hết sức quan trọng và không thể đổ hết trách nhiệm lên ê kíp phẫu thuật. Bởi theo một chuyên gia về thận niệu, chính vì không chẩn đoán tiên lượng trước được tình hình nên khi can thiệp nội soi bệnh nhân bị mất máu nhiều. Sau đó phải tiến hành mổ hở. Lúc này, khi thấy hai quả thận dính nhau nhưng bác sĩ lại tưởng đây là dị dạng thận trái nên cắt luôn.
2. Sau khi xuất viện về nhà chị H.T.Đ. (SN 1982, ấp Bà Hiên, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) vừa mừng, vừa ấm ức kể: tại Bệnh viện Đa khoa H.D, sau khi được khám tổng quát và làm các xét nghiệm máu, đo điện tim, chụp X quang... Chị được chẩn đoán bị “tiêu chảy nhiễm trùng”. Tuy nhiên, dù đã tuân thủ uống thuốc theo toa, nhưng bệnh tình của chị vẫn không giảm, những cơn đau bụng quặn thắt cứ liên tiếp hành hạ đến mức chị đi, đứng không nổi. Sức khỏe yếu dần, bụng ngày càng to ra.
“Cầm cự” đến ngày thứ 7, chị Đ. quyết định chuyển sang Bệnh viện T.V khám. Tại đây các bác sĩ đã phát hiện chị Đ. bị viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ chứ không phải bị tiêu chảy như kết quả chẩn đoán của Bệnh viện H.D và đưa chị Đ. đi phẫu thuật ngay lập tức. Sau khi khỏi bệnh, chị Đ. vô cùng bức xúc bởi nếu như chậm thêm vài ngày thì tính mạng chắc không còn.
3. Thắp nén hương cho con gái, ông Nguyễn Văn Chiến (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TPHCM) buồn rầu kể, con ông là Nguyễn Thị Thu Hà (25 tuổi) bị đau đầu và ói mửa, gia đình đã đem vào một bệnh viện nằm trên địa bàn quận 9 để khám. Tại đây, bác sĩ của bệnh viện này bảo phải phẫu thuật vì bị viêm xoang. Sau khi làm phẫu thuật xong con ông Chiến nằm viện thêm 1 tuần nữa thì được xuất viện. Thế nhưng, 1 tuần sau đó, con ông Chiến lại đau đầu và ói mửa như lúc chưa mổ. Gia đình vội vàng đưa bệnh nhân nhập viện trở lại. Một bác sĩ khám lại và nói mổ bị sót, phải mổ lại. Sau 1 tuần điều trị, con ông Chiến lại được xuất viện lần hai. Tuy nhiên vừa về nhà thì con ông lại tái phát bệnh cũ. Gia đình tiếp tục đưa bệnh nhân vào bệnh viện này điều trị lần thứ ba. Sau vài ngày nhập viện, thấy sức khỏe con gái ngày càng xấu đi, gia đình ông Chiến xin được chuyển viện nhưng BS vẫn bảo: “Gia đình cứ an tâm. Bệnh ổn rồi không có gì phải lo lắng”. Nằm viện được 1 tuần thì sức khỏe con gái ông Chiến có biểu hiện rất nguy kịch. 2 ngày sau khi các bác sĩ hội chẩn lại mới chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhân dân 115.
Theo ông Chiến, tại Bệnh viện 115, bác sĩ cho chụp CT sọ não. Khi có kết quả, một bác sĩ đã gọi người nhà vào nói: “bệnh nhân bị u não chứ không phải viêm xoang và gia đình chuyển viện quá trễ. Bệnh nhân đã tụt não, phù não, tăng áp lực nội sọ, hai đồng tử giãn to, hôn mê sâu. Theo kết quả chụp CT sọ não của Bệnh viện 115, bệnh nhân có u não rất to. Đến 11 giờ, gia đình ông Chiến đã phải đưa con gái về nhà, lo hậu sự. Điều đáng nói là những giấy tờ có liên quan đến việc khám, điều trị của bệnh nhân Thu Hà tại bệnh viện ở quận 9 cho thấy bệnh nhân được chẩn đoán bệnh các lần đều khác nhau.
Cụ thể như giấy ra viện lần một thì ghi “Viêm xoang hàm sàng mạn” và giấy ra viện lần hai lại ghi chẩn đoán là: “Suy nhược thần kinh/phẫu thuật nội soi xoang hai tuần” Và khi chuyển bệnh nhân Thu Hà lên Bệnh viện 115, lại ghi: “Hôn mê chưa rõ nguyên nhân, theo dõi hội chứng não cấp”. Ông Chiến thắc mắc không hiểu người ta làm thế nào mà tất cả các kết quả chẩn đoán của bệnh viện nằm trên địa bàn quận 9 đều không đúng với kết quả chẩn đoán của Bệnh viện 115.
4. Trong cuộc họp về tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá khái quát công tác chẩn bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới: “Nhiều trường hợp bệnh nhân được chuyển viện không an toàn trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tím tái, phù phổi, da xanh tái, nổi bông… đã làm ảnh hưởng lớn đến việc điều trị, cứu sống bệnh nhân. Đặc biệt, có một trường hợp tử vong trên đường chuyển viện. Có đến hơn 47% trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng nặng, hơn 27% trường hợp tử vong do chẩn đoán sai, nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phổi, hen phế quản, sốt nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Đây là những trường hợp nhập viện trễ do người nhà không nhận biết được dấu hiệu cảnh báo nặng”.
Lý giải vì sao có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra, một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, đồng thời giảng dạy bộ môn chẩn đoán hình ảnh ở TPHCM cho biết, ngoài những nguyên nhân khách quan như tay nghề, chuyên môn yếu, trang thiết bị không đầy đủ, áp lực quá tải, tắc trách…, thì còn một lý do nữa là hiện nay quá trình đào tạo của ngành y lại theo quy cách sinh viên học bài theo câu hỏi trắc nghiệm theo ngân hàng câu hỏi rồi trả lời. Một số giảng viên thì giảng dạy qua loa đại khái vì bận chạy sô. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng và những chuyện nằm ngoài giáo án thì nếu sinh viên, bác sĩ trẻ không tự cập nhật tìm hiểu thì không thể nắm được nên khi hành nghề do thiếu kinh nghiệm nên có thể xảy ra sai sót. Điều này đã xảy ra, thậm chí không phải là hiếm. Bên cạnh đó, hiện nay, một số bác sĩ quá ỷ lại vào máy móc mà xem nhẹ các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng. “Máy móc chỉ là phương tiện hỗ trợ, con người vẫn là quyết định. Nếu chuyên môn vững, khám và chẩn đoán kỹ càng thì sẽ hạn chế được nhiều rủi ro cho người bệnh. Thậm chí sự quan tâm của y bác sĩ cũng sẽ góp phần giúp cho người bệnh an tâm hơn khi điều trị” - bác sĩ này khẳng định.
Vinh Nguyễn