Chăn nuôi - Giải pháp tăng xuất, giảm nhập

Nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 2,7 tỷ USD/năm
Chăn nuôi - Giải pháp tăng xuất, giảm nhập

Bao giờ chăn nuôi có thể sánh vai với các lĩnh vực trong nông nghiệp khác tham gia xuất khẩu? Đó là câu hỏi mà Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghệ thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đặt ra với báo chí tại buổi hội thảo về phát triển và bình ổn chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức tuần qua ở TPHCM. Đây cũng là nỗi niềm và ước mơ chung của những nhà đầu tư chăn nuôi.

Sớm tăng tốc xây dựng vùng chăn nuôi tập trung.

Sớm tăng tốc xây dựng vùng chăn nuôi tập trung.

Nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 2,7 tỷ USD/năm

Theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng qua ngành nông sản nói chung đạt kim ngạch xuất khẩu gần 14 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2010 (dự báo cả năm 2011 sẽ đạt 22 tỷ USD), trong đó có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, điều nhân, hồ tiêu, cá tra, tôm… Ngay cả trái cây, mặt hàng bị cạnh tranh gay gắt cũng xuất khẩu hàng năm gần nửa tỷ USD. Vậy mà lĩnh vực chăn nuôi, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, là lĩnh vực được bộ kỳ vọng và nhìn nhận là có tốc độ tăng trưởng cao lại góp phần vào việc nhập siêu. Hàng năm, chúng ta phải chi 2,4 - 2,7 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Thật ra, một số doanh nghiệp (DN) đã và đang xuất khẩu sang Trung Quốc và Malaysia thịt heo sữa, heo đông lạnh (2.584 tấn, bằng 50% so với cùng kỳ). Nói thế để thấy rằng đây là lĩnh vực rất tiềm năng, trước hết là để đáp ứng ngay nhu cầu trong nước thay vì hàng năm phải nhập khẩu thêm cả trăm ngàn tấn thịt (gà, heo…). Vì vậy, là một nước xuất khẩu nông sản, chúng ta cần có giải pháp và chính sách để phát triển sản xuất vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là đậu nành, bắp, khoai mì… Do vấn đề giống và biện pháp canh tác nên thời gian qua vẫn chưa thể tạo ra vùng nguyên liệu hàng hóa dồi dào cho chế biến TACN, nhất là đậu nành. Trong khi đó, bắp lai và khoai mì không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến trong nước nhưng hàng năm vẫn xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, đặc biệt khoai mì có năm xuất hơn 1 tỷ USD với thuế suất bằng không. Nhưng khi các nhà máy TACN nhập vào để chế biến lại bị thuế suất 5%, góp phần đẩy giá thành TACN lên cao. 7 tháng qua, giá nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng 12%-14% góp phần làm giá thành chăn nuôi tăng lên 20%.

Cần những giải pháp căn cơ

Theo ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), nhà nước vẫn chưa thật sự xem trọng lĩnh vực chăn nuôi so với trồng trọt. Dù luôn được xem là lĩnh vực quan trọng, nhưng hàng năm nhà nước đầu tư cho ngành nông nghiệp so với các lĩnh vực khác còn quá thấp, chưa tương xứng để tạo điều kiện cho ngành này phát triển thật sự vững chắc nhằm ổn định đời sống người dân.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Dofico, nêu dẫn chứng, tỉnh Đồng Nai giao Dofico 1.000ha để xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, nhưng khi triển khai không dễ chút nào vì gặp nhiều vướng mắc vì cơ chế, chính sách. Trong khi đó, thời gian qua, vùng chăn nuôi tập trung nhà nước quy hoạch, do xen cài trong khu dân cư nên khi người dân đến ở xung quanh, chính các trang trại phải di dời tiếp. Điều này khiến không ai có thể yên tâm đầu tư lớn, căn cơ và dài hạn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty VISSAN Trần Tấn An, VISSAN cần đất để chăn nuôi tập trung nhưng các địa phương lại không mặn mà vì sợ gây ô nhiễm. Đất nông nghiệp hầu như là để dự phòng cho lĩnh vực khác. Khi dự án công nghiệp nào đó mà nhà đầu tư nước ngoài nhắn đến, nguy cơ di dời của các trại chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung là rất lớn. Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Long (Kim Dương), nhà chăn nuôi heo tập trung ở Bình Dương, cho rằng, nếu không quy hoạch vùng nông nghiệp rõ ràng và lâu dài sẽ không bao giờ có đủ sản phẩm nông nghiệp cho xã hội - ở đây là sản phẩm chăn nuôi. Hơn nữa, để phát triển công nghiệp, dịch vụ ổn định phải trên nền tảng nông nghiệp sản xuất bền vững, trong đó cần có vùng chăn nuôi tập trung và thật sự ổn định lâu dài cho nhà đầu tư.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục