Ngày 29-8, chính phủ vừa tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng Youssef Chahed, nhà lãnh đạo trẻ nhất của Tunisia kể từ khi quốc gia Bắc Phi này giành được độc lập năm 1956, bắt đầu đi vào hoạt động.
Vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội ngày 26-8 với 167 phiếu ủng hộ, 22 phiếu chống và 5 phiếu trắng, vị thủ tướng 40 tuổi này đã ý thức rõ những khó khăn, thách thức ở phía trước, trong đó nổi cộm là những khó khăn về kinh tế. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chahed nhấn mạnh, chính phủ mới sẽ tập trung vào một loạt nhiệm vụ ưu tiên như chống khủng bố và tham nhũng, thúc đẩy đầu tư và phát triển, giải quyết các vấn đề về thâm hụt ngân sách, nợ công và cán cân thanh toán, cũng như bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý trong nội các mới gồm 26 bộ trưởng và 14 quốc vụ khanh của tân Thủ tướng Chahed lần này có tới 8 thành viên nữ và 14 gương mặt trẻ, trong đó có 5 thành viên tuổi dưới 35. Đây được xem là một đại liên minh giữa các đảng Hồi giáo, đảng Cánh tả, đảng Thế tục và những chính trị gia độc lập, đại diện các nghiệp đoàn. Thủ tướng Chahed tin tưởng rằng, đây chính là nền tảng để ông có thể thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, còn quá sớm để có thể chắc rằng vị thủ tướng 40 tuổi này có thể khôi phục an ninh và mang lại sức sống mới cho nền kinh tế rệu rã của Tunisia, tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,8% trong năm ngoái so với 2,3% trong năm 2014. Thâm hụt ngân sách của Tunisia cuối năm nay có thể lên lên đến 2,65 tỷ EUR. Chính phủ Tunisia phải chật vật mới có đủ 450 triệu USD/tháng để trả cho nhân viên trong khi nước này phải đối mặt với khoản nợ công 3 tỷ USD đáo hạn vào năm sau. Kinh tế giảm sút nhưng chi trả lương cho cán bộ công chức nhà nước của Tunisia lại tăng hơn 2 lần, từ hơn 2,7 tỷ EUR năm 2010 lên gần 5,5 tỷ EUR trong năm nay.
Mặc dù Tunisia được xem là một câu chuyện thành công hiếm hoi của “Mùa xuân Ảrập” bùng phát năm 2011, nhưng những nhà cầm quyền sau đó đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng. Trong 5 năm qua, năng suất lao động của Tunisia đã giảm, người lao động không có đủ việc làm còn doanh nhân thì chần chừ không chịu đầu tư. Sau “Mùa xuân Ảrập”, địa chính trị ở Trung Đông đã hoàn toàn thay đổi. Xu hướng Hồi giáo cực đoan nổi lên. Tunisia cũng đã chứng kiến cuộc khủng hoảng về giá trị và đạo đức khi xã hội rơi vào tình trạng bất ổn nhất sau cuộc nổi dậy năm 2011. Một làn sóng các cuộc tấn công khủng bố, trong đó thảm khốc nhất là 2 vụ tấn công vào năm ngoái, làm hàng chục du khách nước ngoài thiệt mạng, đã làm tình hình kinh tế, vốn chủ yếu dựa vào nguồn thu từ du lịch, thêm giảm sút.
Trong trường hợp đến năm 2017, nếu tình hình vẫn khó khăn, Thủ tướng Youssef Chahed cho biết sẽ buộc phải đưa ra biện pháp thắt lưng buộc bụng, có nghĩa sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho y tế, phải sa thải hàng ngàn viên chức nhà nước và phải tăng thuế, trong bối cảnh các chủ nợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng đang hối thúc nước này có những cải cách sâu rộng và cắt giảm chi tiêu công. Theo nhà phân tích chính trị Slaheddin Jourchi, các chỉ số hiện tại dự báo khó khăn, thất bại nhiều hơn thành công...
HẠNH CHI