Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Người dân có quyền biết cặn kẽ vì sao họ thua kiện"

Phát biểu tại phiên họp tổ chiều 9-11 về dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình giải thích rõ thêm về nhiệm vụ: “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, có ý kiến không đồng tình về nhiệm vụ “giải thích pháp luật trong xét xử” của tòa án, nhưng nói vậy là chưa đầy đủ.

“Giải thích pháp luật và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là hai câu chuyện khác nhau. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là việc chúng ta làm từ xưa tới giờ. Thậm chí điều tra viên, kiểm sát viên ý kiến khác nhau, tòa án tuyên bản án căn cứ vào điều luật nào, thì bản án phải giải thích vì sao áp dụng điều này mà không phải áp dụng điều kia. Người dân có quyền biết cặn kẽ vì sao họ thua, hoặc vì sao bị cáo phải đi tù 5 năm mà không phải 10 năm. Giải thích của tòa chỉ trong xét xử và phù hợp với tình huống pháp lý cụ thể của vụ án. Quy định rõ điều này không phải là tăng quyền mà là tăng trách nhiệm của thẩm phán. Nhiệm vụ này không thay thế được “giải thích pháp luật” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cũng không thay thế được Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nêu rõ. Theo ông, nếu cắt đi mấy từ thì sẽ gây nhầm lẫn với trách nhiệm của UBTVQH.

Nội dung đáng lưu ý thứ 2 liên quan đến thu thập chứng cứ. Chánh án cung cấp thông tin, để đảm bảo tính công tâm, khách quan, không có nước nào trên thế giới giao cho tòa án thu thập chứng cứ cả. Do vậy, dự thảo chỉ quy định với người yếu thế, tòa án hỗ trợ cho việc thu thập chứng cứ.

Thứ 3, lý giải về việc bỏ quy định tòa án khởi tố tại tòa, Chánh án nói: “Chúng ta lựa chọn mô hình tố tụng suy đoán vô tội, nếu chứng cứ không đủ chứng minh thì tòa trả, yêu cầu điều tra bổ sung 1 lần, sau đó nếu vẫn không chứng minh được thì tuyên vô tội. Việc khởi tố tại tòa không phải lựa chọn suy đoán vô tội mà là truy tố đến cùng”.

Về ý kiến băn khoăn về quy định tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án khẳng định: “Tổ chức theo thẩm quyền xét xử phản ánh đúng bản chất tố tụng, phù hợp với thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập và phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế. Nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của tỉnh, huyện”.

Khẳng định việc tổ chức lại hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử (thay vì theo cấp hành chính) không có gì ảnh hưởng; các đạo luật khác cũng không có gì phải sửa đổi, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong điều khoản thi hành, dự thảo đã quy định từ nay trở đi, tòa án huyện được hiểu là tòa án sơ thẩm, tòa án tỉnh được hiểu là tòa án phúc thẩm.

Trả lời câu hỏi vì sao tòa phúc thẩm cũng vẫn xử các vụ sơ thẩm, Chánh án giải thích, với một số chủ thể đặc biệt như Tổng thống, Thủ tướng, nghị sĩ… nhiều nước giao cho tòa tối cao xử. Nói cách khác, khi luật giao thì tòa phúc thẩm vẫn có thể xử sơ thẩm. Trong tương lai, khi năng lực của tòa án sơ thẩm (cấp huyện) tốt lên thì có thể giao cho tòa này xử các vụ án có mức án cao trên 15 năm tù, chung thân, tử hình… Đó là đích hướng đến trong tương lai, chúng ta không hài lòng năng lực toà án cấp sơ thẩm chỉ xét xử vụ án có mức án dưới 15 năm như quy định hiện hành.

Theo Chánh án, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế rất nhiều, tổng kết thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn. “Mong muốn của chúng tôi là nâng tầm nền tư pháp nước nhà ngang tầm với trình độ quốc tế. Không có thì chúng ta cứ bó tay nhau, trong ngành muốn đổi mới nhưng lại bị kiềm chế, điều đó không nên”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình phát biểu.

Tin cùng chuyên mục