Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế xã hội: Năm 2024, GDP tăng 6-6,5%, CPI tăng 4-4,5%

Với 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: QUANG PHÚC

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đoàn ĐBQH TPHCM tham gia biểu quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn ĐBQH TPHCM tham gia biểu quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Về các chỉ tiêu chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, báo cáo của UBTVQH nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QUANG PHÚC

Về ý kiến đề nghị chỉ đưa vào nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung, hạn chế sử dụng các cụm từ “khẩn trương”, “sớm”, “tích cực”, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải thích, trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các bộ, ngành và địa phương.

UBTVQH cũng đề nghị giữ lại trong nghị quyết nội dung “tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế” trên quan điểm Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Các chỉ tiêu chủ yếu

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD.

3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.

6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.

7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.

8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.

12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.

13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.

14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

Tin cùng chuyên mục