Tri Lễ là xã vùng rẻo cao, thuộc huyện miền núi Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Bấy lâu nay, bà con sống bám vào rừng, “ăn của rừng” và tự cung tự cấp. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống bà con đã đổi thay khá nhiều khi cây chanh leo từ dưới xuôi “leo” lên tận vùng đất này.
Từ khi cây chanh leo lên với miền rẻo cao Tri Lễ, anh Vi Văn Sơn cũng bắt đầu nổi tiếng khắp trong và ngoài bản Yên Sơn. Chàng trai trẻ này đã mày mò học hỏi, mạnh dạn đầu tư trồng chanh leo. Anh Sơn cho hay, trước đây gia đình anh chuyên trồng keo, sau 6 năm mới cho thu hoạch nhưng mỗi hécta cũng chỉ thu lãi trên dưới 10 triệu đồng. Tính ra, lời không đáng bao nhiêu. “Sau khi tìm hiểu, thử nghiệm, tôi phát hiện cây chanh leo rất hợp với đất ở bản Yên Sơn này. Vậy là năm 2011, tôi và gia đình quyết định chặt bỏ hết keo, chuyển sang trồng chanh leo. Thời gian đầu có gặp khó khăn về vốn, phải đi vay mượn khắp nơi vì giống mỗi cây chanh leo có giá 50.000 đồng, mỗi hécta còn phải đầu tư 2 tấn dây thép, 300 cây mét (họ luồng) làm cọc; rồi phân bón, tiền thuê nhân công… Nhưng qua năm đầu thu hoạch, tôi đã lấy lại vốn, đến năm thứ 2 bắt đầu có lãi”, anh Sơn cho biết. Cùng bản Yên Sơn có chị Vi Thị Nhuận cũng trồng 200 gốc chanh leo. Chị Nhuận cho hay, so với cây keo thì chanh leo có lãi hơn nhiều. Giá bán hiện tại ở vườn trung bình 9.000 đồng/kg. Từ khi trồng chanh leo, kinh tế gia đình có khá hơn, lo cho 3 con ăn học thoải mái chứ không phải lo nhiều như ngày trước.
Anh Vi Văn Sơn, người trồng chanh leo nổi tiếng ở miền rẻo cao Tri Lễ
Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết: “Trong số 1.939 hộ của xã thì có đến 1.713 hộ nghèo, đa số là đồng bào dân tộc Mông, Thái... Việc cây chanh leo trồng ở miền biên ải này đã mở ra cho bà con hướng thoát nghèo mới. Cái khó khi đưa cây chanh leo lên với bà con không chỉ vấn đề kỹ thuật mà cần vốn ban đầu khá lớn, từ tiền giống, công làm đất, làm giàn, phân bón… mỗi hécta với 800 gốc chanh cũng phải tốn gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình 30A, Chương trình 135 và các chính sách của địa phương nên nhiều gia đình đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có hướng thu nhập ổn định”. Qua 5 năm trồng, hiện mỗi gốc chanh leo cho thu hoạch 35 - 40kg quả/vụ; mỗi hécta với 800 gốc chanh, bà con thu về trên dưới 3 tấn quả được thương lái tìm đến thu mua ngay tại vườn. Hiện xã Tri Lễ có 108ha trồng chanh leo và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 1.500ha.
Duy Cường