Chắp cánh cho con tự lập

Mùa hè đang đến, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng triệu đồng cho con cái theo học các khóa học kỹ năng sống, trải nghiệm lên rừng, xuống biển. Thế nhưng, một vài khóa học ngắn ngủi này không thể giúp con trẻ tự tin, tự lập. 
Nuông chiều = ỷ lại
Năm trước, chị Hoàng nhà ở quận 3 (TPHCM) quyết định cho con trai học lớp 7 tham gia học kỳ quân đội vì nghe nhiều người khen chương trình này hay, rèn cho trẻ tính tự lập. Hơn nữa, chị cũng muốn con mình thử sức tạm xa gia đình ít ngày xem có chuyển biến gì không, vì ngoài việc học, cháu chẳng biết làm gì. Chị Hoàng lo ngại rằng, cứ đà này lớn lên chắc chắn nó không thể sống một mình, cũng như xoay xở khi cuộc sống xảy ra điều gì bất trắc, khó khăn.
Lo lắng của chị Hoàng cũng là lo lắng băn khoăn của nhiều phụ huynh có con đang ở tuổi teen. Vì có điều kiện kinh tế nên nhiều nhà thuê người giúp việc và con trẻ được bảo bọc, nuông chiều mọi thứ từ A đến Z, chẳng phải động tay động chân đến việc gì ngoài đi học.
Chị Hoàng bộc bạch: “Sau khi tham gia học kỳ quân đội, được tập làm mọi việc như chăm sóc bản thân, rèn luyện bản lĩnh, thử thách vượt khó…, con trai mình tự tin, hoạt bát hơn. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, sau khi kết thúc khóa học, cháu lại trở về nếp cũ, sống thụ động, lười biếng. Tất tật mọi việc, cháu đều ỷ lại người giúp việc lẫn cha mẹ, từ việc ăn uống tắm rửa đến dọn phòng ốc”. 
Tương tự, những khóa học hè mang tên “Lên rừng, xuống biển” hay trải nghiệm “Một ngày làm nông dân, kỹ sư, một ngày để sống…” cũng gây ấn tượng, giúp nhiều “cậu ấm, cô chiêu” thức tỉnh và lột xác đến không ngờ. Được hòa mình vào không khí tập thể, được kích hoạt sự tự tin, tất cả các em đều “trổ tài” và biết làm những việc đơn giản như giặt quần áo, xếp mùng mền, quét dọn nhà cửa, rửa chén bát…
Thế nhưng, sự thay đổi của con cái sau những khóa học trải nghiệm về kỹ năng sống này chỉ mang tính tạm thời. Trở về môi trường cũ, được nuông chiều, có người lớn làm thay mọi việc từ nhỏ đến lớn thì các em tiếp tục sống ỷ lại, yếu ớt như cây tầm gửi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều thanh niên đã trưởng thành, qua tuổi trưởng thành, nhưng không thể sống tự lập là do cha mẹ bảo bọc và không tạo cơ hội cho con sống tự do, tự lập, làm những gì mình thích, phù hợp với khả năng. Theo chia sẻ của các điều phối viên ở Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, nơi thực hiện các chương trình “học kỳ quân đội”, do một bộ phận thanh thiếu niên ở nhà được nuông chiều, bảo bọc thái quá nên khi sống tập thể khó biết cách hòa nhập, tự lập. Thậm chí, cho con đi có khoảng một tuần, nhiều phụ huynh ngày nào cũng đến trung tâm hỏi han con sống thế nào để tiếp tế đồ ăn, thức uống. Có phụ huynh nghe nói con phải sống điều kiện hơi khổ một chút đã xót xa. Như thế làm sao con cái biết sống tự lập, đi trên đôi chân, bay theo đôi cánh của mình?
Chắp cánh cho con tự lập ảnh 1 Các bé tham gia chương trình Global Art day tại Hà Nội  để quyên góp tiền phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh của Quỹ Thiện Nhân và những người bạn
 Hãy buông tay để con tự làm
Theo các chuyên gia giáo dục, mâu thuẫn lớn của bậc phụ huynh ở Việt Nam là mong muốn con cái trưởng thành, sống tự lập nhưng cách nuôi dạy lại thiếu khoa học, phản tự nhiên. Vì thương con nên từ nhỏ việc gì cũng muốn làm thay, thậm chí thích can thiệp, chỉ đạo từ những điều nhỏ nhặt như ăn, mặc, học hành, vui chơi… Nhiều phụ huynh vì sợ buông tay ra con cái sẽ gặp bất trắc, rủi ro nên “úm con” và không bao giờ cho chúng hòa mình vào thiên nhiên, làm những điều mình thích thú.  
Ngay cả khi giáo viên cho học trò tự làm bài tập xếp hình hoặc vẽ con gì đó thì nhiều phụ huynh cũng dành làm thay mà không khuyến khích con tự làm dù xấu. Một số khác thì thấy con cái định làm việc gì đó nhưng chưa quen, thể hiện sự lóng ngóng cũng xót thương và làm hộ con. Thử hỏi như thế, trẻ có cơ hội nào được rèn luyện tính tự lập, tự giải quyết vấn đề của mình. Theo chuyên gia giáo dục Trần Việt Quân (Câu lạc bộ Dạy con nên người), con trẻ cần được giáo dục để cân bằng 3 giá trị cốt lõi là đạo đức, trí tuệ, nghị lực. Dạy cho con có nghị lực, có đủ kiên nhẫn, sự dũng cảm để có thể vượt qua mọi thử thách khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, việc thường xuyên xem con trẻ mỏng manh, yếu đuối, cần được sự yêu chiều, bảo bọc của cha mẹ sẽ triệt tiêu các yếu tố tích cực, năng động, tự tin của chúng.
Theo đúc kết của nhiều chuyên gia giáo dục khác, sai lầm lớn nhất của phụ huynh là thiếu tin tưởng, cái gì cũng lo sợ con cái làm không được và có thói quen làm thay cho con. Do không được tạo điều kiện để rèn luyện các kỹ năng, tập dần cách sống tự do, tự lập, khi lớn lên, giới trẻ thể hiện sự yếu đuối, thụ động và không biết cách ứng phó, xoay xở với khó khăn khi không có ai bên cạnh trợ giúp. Sự can thiệp, làm thay và áp đặt của cha mẹ làm các con mất đi sự tự do, tự tin hoặc xa hơn nữa là hệ quả của ước mơ, sự sáng tạo bị kìm hãm, “giam lỏng”. Chính sự vô ý này của họ đã vô tình đã lấy mất của con cơ hội phát triển, rèn luyện các kỹ năng sống. Nó cũng tước đi quyền tự do, sự hài lòng khi được trải nghiệm của trẻ. Tất cả những sai lầm nêu trên đã và đang giết chết các tố chất tốt cần có của giới trẻ thời kỹ thuật số là tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Đáng lo ngại hơn là xã hội sẽ tạo ra một lớp trẻ dù lớn nhưng không thể trưởng thành và hành trang sống nghèo nàn, không thể trở thành chủ nhân tương lai của thời đại 4.0.

Tin cùng chuyên mục