Trong một lần du lịch đến Thái Lan, thấy các mẫu túi xách da handmade (làm bằng tay) ở đây rất đẹp và tinh xảo, nhưng giá lại quá cao (5 triệu đồng/chiếc), Nguyễn Tấn Hải thuộc thế hệ 8X, đang điều hành một công ty du lịch “phượt” tại TPHCM bỗng chạnh lòng. Sau lần đó, Hải quyết định mày mò, học hỏi từ các website trong và ngoài nước để cho ra đời những túi xách handmade Việt Nam chất lượng cao với giá mềm.
Trưởng thành từ phong trào Đoàn tại trường trung học phổ thông nên Nguyễn Tấn Hải thuộc típ người năng động, dám nghĩ dám làm. Sau lần thất bại trong lĩnh vực thời trang khi mới ra trường, Hải chuyển hướng sang kinh doanh du lịch phượt. Khách của Hải chủ yếu là các đối tượng thích mạo hiểm và khám phá những điểm đến mới. Công việc điều hành du lịch cũng chiếm khá lớn quỹ thời gian của chàng trai 8X nhưng dường như vẫn chưa đủ với Hải, anh vẫn ấp ủ một điều gì đó mang tính đột phá và có thể giúp ích cho cộng đồng nhiều hơn.
“Ban đầu tôi nghĩ Hải nói cho vui, ai dè một tháng sau Hải đưa cho tôi xem sản phẩm túi xách làm bằng da tổng hợp cao cấp, được đan bằng tay rất tinh xảo và nói: Em làm được rồi đó…”, một người bạn thân của Hải cho biết. Quán cà phê Bell trên đường Huỳnh Khương Ninh cũng do Hải mở ra để các thành viên trong nhóm “phượt” họp mặt, giờ đang trở thành địa điểm dạy và thực hành nghề đan giỏ xách.
Caroline và Peggy đến từ Mỹ, hai điều phối viên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP - có văn phòng tại quận 1, TPHCM) cũng tham gia học nghề đan túi xách, cho biết: “Chúng tôi rất thích những sản phẩm handmade. Lần đầu tiên đến Việt Nam, chúng tôi chưa hề thấy những túi xách handmade nào đẹp và giá cả vừa phải như vậy. Chúng tôi rất háo hức khi được tự tay làm ra những túi xách cho chính mình”.
Tấn Hải hướng dẫn Peggy công đoạn thắt dây túi xách.
Để cho ra đời chiếc túi xách làm bằng da tổng hợp cao cấp, Caroline và Peggy chấp nhận ngồi đan ròng rã từ 4 đến 5 giờ. Đối với người đã thành thạo như Hải, một ngày cũng chỉ có thể thực hiện được 4 cái. Công đoạn khó nhất là nghĩ ra mẫu mã và làm rập cho các mắt xích khớp với nhau, các dây đan không bị thấy nếp nối. Đặc biệt, các túi xách được đan dây da hoàn toàn không được may bằng chỉ như các loại túi xách công nghiệp khác.
“Tôi mong muốn thật càng nhiều bạn bè quốc tế đến học làm túi xách, để thấy rằng hàng thủ công Việt Nam cũng tinh xảo nhưng giá cả hợp lý và người dân Việt Nam rất thân thiện hòa đồng. Tôi dạy họ đan túi xách miễn phí và đang ấp ủ một dự án hướng dẫn làm hàng thủ công của Việt Nam không chỉ cho khách nước ngoài mà còn cho các bạn trẻ Việt Nam có niềm đam mê học hỏi tại phố cổ Hội An. Sắp đến cũng tại địa điểm này tôi sẽ dạy làm túi xách cho các học sinh, như một trải nghiệm sau giờ học. Đây sẽ là hoạt động mang tính hướng nghiệp lành mạnh, giúp các em mở rộng tính sáng tạo và kỹ năng kinh doanh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, Hải bộc bạch.
Không chỉ riêng Caroline và Peggy, nhiều người nước ngoài đến từ Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan học nghề đan túi xách với Hải đều nhận định, có tự tay làm ra những sản phẩm như vậy mới thấy được giá trị của từng đồ vật mình đang sử dụng và cũng để biết rằng, ngoài các mặt hàng công nghệ cao, thì hàng thủ công cũng khá hấp dẫn. Hiện một chiếc túi da tổng hợp giá từ 50.000 - 350.000 đồng và sẽ từ 500.000 đồng trở lên nếu sử dụng đan các loại da thật có giá trị.
Chúng tôi mong ước mơ của Nguyễn Tấn Hải, mang sản phẩm thủ công của Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trong, ngoài nước sớm thành hiện thực.
|
GIA LYNH