Nâng chất hàng hóa
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, sau 9 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ NVNƯTDHVN) trên địa bàn TP, bước đầu đã gặt hái được nhiều thành công, đánh động nhận thức và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của người dân trong lựa chọn, mua sắm và tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, kết quả mớỉ dừng ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm các nhóm hàng công nghệ phẩm chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu từ khâu sản xuất đến khâu mở rộng các nhóm hàng khác, đặc biệt là sản phẩm nông sản thực phẩm thiết yếu.
Trong khi đó, TPHCM hiện có hơn 10 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người đứng đầu cả nước, tạo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Theo tính toán, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 500.000 tỷ đồng/năm, trong đó hàng tiêu dùng khoảng 250.000 tỷ đồng. Đối với một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thống kê sơ bộ mỗi năm TPHCM cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 60.000 tấn dầu ăn, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gia cầm, gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại, 132.000 tấn thủy hải sản... Ngoài ra, TP còn là đầu mối tập trung và phân bổ nguồn hàng đi khắp nơi trên cả nước và xuất khẩu. Với vị trí và vai trò là thị trường lớn, TPHCM có lợi thế và điều kiện để quyết định, định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường.
Đối với hoạt động xuất khẩu, hàng hóa nông sản phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt do các nước nhập khẩu quy định. Vì vậy, nếu trường hợp thị trường trong và ngoài nước có những yêu cầu, đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chắc chắn hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa sẽ được doanh nghiệp quan tâm, tuân thủ và từ bỏ thói quen, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tùy tiện… đã gây nhiều lo ngại và thiếu niềm tin đối với người tiêu dùng thời gian qua.
Từ thực tế đó, Sở Công thương đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ, chuyển từ vận động NVNƯTDHVN sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới mục tiêu “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” thông qua cách làm mới với tên gọi (dự kiến) của Chương trình “Chắp cánh hàng Việt”. Nếu TP có giải pháp tốt sẽ giúp định hướng, tái cơ cấu sản xuất; đồng thời phối hợp, phát huy được hiệu quả triển khai các dự án logistics, giết mổ công nghiệp, sơ chế tại nguồn, quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu, hình thành đô thị thông minh...
Mặt khác, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và qua kinh nghiệm triển khai thành công giai đoạn 1 của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà và trứng gia cầm, đã giúp tích lũy kinh nghiệm và tạo tiền đề để TP tiếp tục nghiên cứu và mạnh dạn triển khai nhiều chương trình, giải pháp mới.
Thêm lợi ích và cơ hội
Với mục tiêu mở rộng và nâng chất hàng Việt trong kế hoạch triển khai CVĐ, chương trình “Chắp cánh hàng Việt” tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống gồm: rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Đây là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân, giúp ổn định cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế vấn đề “giải cứu”.
Việc chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc, giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu.
Để đạt được các mục tiêu trên, chương trình triển khai thực hiện với phương thức thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường TP. Hệ thống phân phối tại TP ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách làm này giúp nâng trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của TP. Từ đó, người dân TP sẽ được cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có thương hiệu, có chất lượng và an toàn.
Điều quan trọng, thông qua chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, TPHCM phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng, qua đó kết nối các địa phương, giúp TPHCM phát huy vai trò đầu tàu, vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm trong phân công, quy hoạch vùng nguyên liệu và triển khai “Cuộc vận động liên tỉnh”.
Theo Sở Công thương TPHCM, việc triển khai thực hiện chương trình là vấn đề mới, làm phong phú và tạo thêm sức hấp dẫn trong thực hiện triển khai CVĐ NVNƯTDHVN. Chương trình sẽ góp phần tái cơ cấu sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại, lành mạnh và bền vững; định hình cơ chế quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm vùng nguyên liệu nông sản thực phẩm của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong sản xuất nông sản thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Khi đã có được nền sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, đời sống kinh tế -xã hội của người sản xuất sẽ được cải thiện, sức khỏe người tiêu dùng được đảm bảo.
Đối tượng và cách làm |