Chắt chiu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Với 1.000 hội viên và hơn 2.000 cộng tác viên trên cả nước, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các di sản các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc, góp phần gìn giữ và dung hòa vốn quý của dân tộc.
Chắt chiu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc

Với 1.000 hội viên và hơn 2.000 cộng tác viên trên cả nước, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các di sản các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc, góp phần gìn giữ và dung hòa vốn quý của dân tộc.

Nâng niu vốn cổ

Trong 5 năm qua, việc sưu tầm, nghiên cứu và phát huy vốn văn hóa dân gian, một nhiệm vụ sống còn của Hội VNDGVN đã được duy trì và phát huy khá hiệu quả. Nhiều hình thức, nghi lễ văn hóa dân gian đã được khôi phục và truyền dạy như hát Dô, hò Cửa đình và múa Bài bông, ca trù Ngãi Cầu (Hà Nội), lễ cấp sắc Dao, lễ lên nhà mới Tày (Thái Nguyên)...

Chỉ tính riêng trong 5 năm (2005-2009) hội nhận được 400 công trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn VHDGVN có giá trị. Trong đó, đáng lưu ý là cụm công trình về văn hóa dân gian tộc Mường ở Sơn La của nhà nghiên cứu Đinh Văn Ân; cụm công trình về văn hóa dân gian tộc người Rắc Glây của nhà nghiên cứu Hải Liên; công trình về đờn ca tài tử; về văn hóa - văn nghệ dân gian Khmer của các hội viên và tập thể chi hội các tỉnh miền Tây Nam bộ như Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang...

Đặc biệt đáng lưu ý nhất là công trình ghi âm, ghi hình toàn bộ 13 đêm diễn xướng Đẻ đất- Đẻ nước, được lưu lại trong 70 đĩa hình DVD của nhà nghiên cứu quá cố Bùi Chỉ. Nhờ có công trình này, chúng ta biết được diện mạo tổng thể của sử thi Đẻ đất - Đẻ nước, một tác phẩm mà trước kia chúng ta mới chỉ tiếp cận phần văn học.

Sự xuất hiện các cụm công trình và các tác giả là sự khởi sắc, đánh dấu sự chuyển biến về chất trong trình độ nghề nghiệp cũng như trong đội ngũ hội viên của Hội Văn nghệ dân gian. Trong những năm qua, Hội đã kết hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để viết hồ sơ, tài liệu gửi UNESCO đề nghị và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp như nhã nhạc Huế, quan họ, ca trù, hát xoan…

Ca trù - vốn di sản quý của dân tộc được phục hồi và phát huy.

Ca trù - vốn di sản quý của dân tộc được phục hồi và phát huy.

Tôn vinh nghệ nhân

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội VNDGVN đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 120 vị nghệ nhân ở các vùng miền trên cả nước. Nhiều câu lạc bộ VNDGVN tại các địa phương được thành lập để quy tụ các nghệ nhân và đưa di sản văn hóa tham gia vào các hoạt động văn hóa cơ sở.

“Đây chính là biện pháp tốt nhất để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong dạng “sống” trong môi trường cộng đồng” - GS-TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDGVN khẳng định.

Thực tế, ở những nơi có nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, vốn di sản văn hóa của địa phương đều được khôi phục, thực hành, truyền dạy và duy trì. Các nghệ nhân không chỉ góp phần khôi phục, truyền dạy mà còn là người chủ chốt duy trì những hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian ở cơ sở.

Trong nhiều trường hợp, khi công tác điều tra phát hiện một di sản có nguy cơ mai một nhưng vẫn còn một vài nghệ nhân cao tuổi còn khả năng hoạt động, hội đã phối hợp với địa phương tổ chức để các cụ truyền dạy lại cho con cháu và làm sống lại di sản.

Cùng với sự giúp đỡ kinh phí, trong 5 năm qua đã có 105 di sản thuộc các loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian của các dân tộc Việt Nam trong cả nước thoát khỏi nguy cơ mai một, được khôi phục và duy trì nhờ vào sự dẫn dắt hết lòng của các nghệ nhân.

Ông Tô Ngọc Thanh cho biết, việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ nhân, mặc dù về quyền lợi được hưởng không nhiều. Điều đáng lo ngại là nhiều nghệ nhân, những người lưu giữ vốn di sản VHDGVN đã bước vào tuổi 70 -80, sức yếu và không còn nhiều trong số đó còn nhớ và có khả năng truyền dạy vốn di sản quý giá của ông bà để lại.

Ông Thanh mong muốn, trong thời gian tới, cùng với sự năng động, say mê của các nhà nghiên cứu VHDG, rất cần sự quan tâm hơn nữa các tổ chức để có nhiều công trình, nghiên cứu, sưu tầm có chất lượng, đóng góp hiệu quả vào việc gìn giữ, phát huy, bảo tồn tinh hoa văn hóa dân tộc. 

MAI AN 

Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: GS-TS Tô Ngọc Thanh tái đắc cử Chủ tịch

Ngày 11-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, gần 300 đại biểu đại diện hơn 1.000 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VI (2010 - 2015). Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tới dự và phát biểu ý kiến.

Tại đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao những cố gắng và thành quả của Hội Văn nghệ dân gian đạt được trong thời gian qua. Đồng chí chỉ rõ, Hội cần phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần dân chủ, nêu cao trách nhiệm tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng và cao quý là bảo tồn và phát huy các di sản văn nghệ dân gian của dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kiểm kê vốn di sản văn hóa dân gian các dân tộc; thực hiện tốt và có hiệu quả tiến độ của dự án: “Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”; đặc biệt là phổ biến và truyền dạy cho lớp trẻ ở địa phương nơi di sản ra đời và tồn tại. Đồng chí Trương Tấn Sang đã thay mặt Ban Bí thư, trao tặng Hội Văn nghệ dân gian bức trướng “Đoàn kết - Dân chủ - Xây dựng - Sáng tạo”.

Đại hội kết thúc với việc bầu ra 13 thành viên vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, GS-TS Tô Ngọc Thanh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục