Chất lượng kém do thu hoạch sớm?

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn Tự cho biết, cà phê Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 14% tổng lượng giao dịch cà phê trên thị trường thế giới, nhưng nếu chỉ tính riêng cà phê Robusta, tỷ lệ này đến 60%. Về lý thuyết, cà phê Việt Nam đủ khả năng làm giá trên thị trường, nhưng thực tế, giá cà phê xuất khẩu Việt Nam thấp hơn các nước 100USD/tấn.

Một trong những lý do chính làm cho cà phê Việt Nam bán ra với giá thấp trên thị trường thế giới là chất lượng không đồng đều vì cà phê chín và xanh thu hoạch cùng một lúc. Thói quen không hay này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân trồng cà phê tại Việt Nam. Có một lý do mà nhiều người trồng cà phê vin vào để biện minh cho việc hái trái chín và xanh cùng lúc là sợ bị mất trộm cà phê. Đây là vấn nạn mà người trồng cà phê ở Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam lo ngại. Vì vậy, với quan niệm “thà hái trái xanh còn hơn bị mất trắng”, người trồng cà phê bất chấp thua thiệt về chất lượng, thu hoạch cả trái chín và xanh cùng một lúc. 

Ông Lương Văn Tự cho rằng, bà con trồng cà phê có thể cùng liên kết với nhau để bảo vệ cà phê cho cả khu vực.Việc liên kết này sẽ giúp cho việc bảo vệ nạn trộm cà phê hiệu quả hơn. Thực tế mất trộm chỉ là một nguyên nhân của việc thu hoạch cà phê chín và xanh cùng một lúc. Lý do chính vẫn là do thói quen của người trồng cà phê. Thu hoạch cùng một lúc giúp giảm chi phí thuê mướn nhân công. Tiếp tay cho việc này là không ít doanh nghiệp mua cà phê xô không có sự phân biệt cà phê chín và cà phê xanh. Trong khi đó, bà con trồng cà phê Arabica ở tỉnh Quảng Trị thu hoạch trái chín lên đến 90%.

Tương tự, ông Phạm Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Thái Hòa cho biết, ở Lào tỷ lệ trái chín công ty mua được do bà con bán lên đến 97%. Điều này cho thấy, chính sự tranh mua của doanh nghiệp, bất chấp cả việc có nhiều cà phê xanh, điều này đã tiếp thêm lý do tồn tại của một thói quen xấu từ bao lâu nay của người trồng cà phê mà đáng lẽ ra cần phải xóa bỏ từ sớm. Vì vậy mà chất lượng cà phê Việt Nam, dù được đánh giá là ngon nhưng giá bán ra thị trường thế giới lại thấp hơn cà phê của Brazil, Colombia.

Hàng năm, Tập đoàn Nestlé mua 200.000 - 250.000 tấn từ Việt Nam (chiếm khoảng 25% lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu) để chế biến làm cà phê hòa tan. Sản phẩm được người tiêu dùng khắp thế giới ưa chuộng này có xuất xứ từ Việt Nam nhưng thực tế giá bán cà phê hạt của Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn rất thấp so với cà phê của các nước trên. Cà phê Việt Nam đang tìm đến giá trị thực, để thật sự là cường quốc cà phê, cần nhiều việc phải làm, trước hết cần chấn chỉnh lại khâu thu hoạch.

Đ. C. P

Tin cùng chuyên mục