Đầu tuần này, Quốc hội khóa XII tiếp tục dành thêm 2 ngày rưỡi để thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách. Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế để có thể đạt mức tăng trưởng GDP 8,5% trong năm nay và tin tưởng có thể đạt mức 9% trong năm 2008.
Thế nhưng, cũng như nhiều năm trước, chất lượng tăng trưởng vẫn là vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Điểm nổi cộm, đáng lo ngại nhất là lạm phát. Tại kỳ họp thứ nhất, Chính phủ báo cáo chỉ số tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2007 tăng 5,2%. Sau 2 tháng thực hiện biện pháp về giảm thuế nhập khẩu đối với 18 mặt hàng thiết yếu, tình hình giá cả vẫn không giảm mà nhiều mặt hàng còn tiếp tục tăng cao.
Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp “hạ nhiệt” thị trường nhưng cho đến nay các “toa thuốc” này chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các cơ quan quản lý đã không dự báo được tình hình, không “phòng” được bệnh, mà chỉ “chữa chạy” khi bệnh đã xảy ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận: Chính phủ “chưa dự đoán được tình hình mới và đã nghiêm khắc rút kinh nghiệm ở tầm vĩ mô”.
Tình hình thực tế năm 2007 khiến nhiều người nghĩ tới năm 2008, khi mà Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5%-9% - một tốc độ cao nhất nhì thế giới. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các dòng vốn đầu tư vẫn đang đổ mạnh vào nước ta. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu chung cũng sẽ được điều chỉnh tăng từ 450.000 đồng hiện nay lên 540.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-1-2008. Những yếu tố này sẽ tiếp tục đè nặng áp lực tăng giá. Mục tiêu tăng trưởng cao nhưng tốc độ tăng giá cũng cao thì ý nghĩa, hiệu quả sẽ giảm đi.
Trong bối cảnh đó, để kiềm chế lạm phát một cách chủ động, hiệu quả, cử tri đề nghị cần “kê đơn, bốc thuốc” bằng các giải pháp mạnh hơn để kiềm chế lạm phát. Trước mắt Chính phủ cần thành lập cơ quan giám sát trong việc điều hành kinh tế vĩ mô để tư vấn, đề ra các giải pháp kịp thời, thiết thực trong các lĩnh vực nóng, nhạy cảm như hoạt động tài chính, bảo hiểm, ngân hàng chứng khoán, đầu tư… Về chỉ tiêu lạm phát phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng cũng khiến nhiều người băn khoăn. Giả sử tăng trưởng năm 2008 đạt 9%, trong khi giá tiêu dùng tăng 8,5% hay 8,9% thì vẫn quá sức chịu đựng của người dân có thu nhập trung bình, số người đang chiếm số đông trong xã hội. Đây là nội dung cần được Quốc hội tiếp tục mổ xẻ để tìm ra phương án tối ưu, bảo đảm cân đối hai vấn đề nóng: tăng trưởng và lạm phát; tăng trưởng cao là tốt nhưng phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH