Là một chuyên gia về xây dựng pháp luật, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi thẳng thắn về công tác cán bộ, mà theo ông, có thể gọi là “yếu tố căn bản để xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính”.
- Phóng viên: Thưa ông, dường như ông rất tâm đắc với phương châm xây dựng bộ máy hành chính của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
>> PGS-TS Đinh Xuân Thảo: Tôi còn nhớ, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, sau khi được kiện toàn hồi tháng 4-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh định hướng xây dựng một chính phủ “kiến tạo, phục vụ và liêm chính”. Tôi cho rằng đây là định hướng rất đúng đắn, phù hợp với giai đoạn mới, nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng và tổ chức thực thi Hiến pháp 2013 với hai nội dung quan trọng: xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng. Muốn vậy, tổ chức nhà nước tuy vẫn kế thừa được mô hình đã tồn tại và vận hành hiệu quả trong 70 năm qua, nhưng phải có sự đổi mới về chất, thể hiện tính chất thượng tôn pháp luật; chú trọng tính hành động thiết thực.
- Nghĩa là phải gọn nhưng tinh nhuệ?
Quả thực, bên cạnh công tác cải cách hành chính thì tinh giản biên chế là nhiệm vụ khó khăn lắm, làm mãi không thấy bộ máy nhỏ đi, lại còn phình ra. Có lần tôi hỏi một vị Thứ trưởng tại cuộc họp về vấn đề này, là liệu có giảm biên chế được không? Ông ấy cười bảo rằng, sẽ làm được chứ, ít nhất là khi tôi và anh nghỉ hưu thì biên chế sẽ giảm đi… 2 người! Nói cách khác, cần xác định lại cho rõ vai trò của Chính phủ là định hướng và tạo lập phát triển (Kiến và Tạo) có sự cạnh tranh lành mạnh để cho mọi chủ thể phát huy hết năng lực; bảo đảm dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nhà nước là người cầm lái con thuyền kinh tế, còn những người cầm chèo, bơi chải là của doanh nghiệp, của người dân. Không cần phải xây dựng bộ máy và sử dụng ngân sách trả lương cho cả đội ngũ cầm chèo đó; phải thực hiện phân cấp, ủy quyền một cách phù hợp nhất.
Còn về chất lượng cán bộ, đây đúng là một trong những khâu quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Vì thế mà Thủ tướng mới nhấn mạnh yếu tố “liêm chính”. Thực tế là chuyện lợi ích nhóm rất phổ biến chứ không phải ít. Chính tôi đôi lúc cũng đã gặp nhiều trường hợp có những cán bộ công chức ngành thuế mạt hạng không quan tâm đến việc thu thuế vào ngân sách nhiều hay ít, mà chỉ nghĩ đến túi tiền riêng của mình thôi.
- Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cần phải cải thiện chế độ đãi ngộ cho đội ngũ công chức một cách xứng đáng?
Việc này không phải chỉ bằng lương từ ngân sách, mình chưa học Singapore được. Tôi thấy có thông tin ước tính rằng nếu đãi ngộ tương đối một chút, cán bộ cấp vụ lương cỡ 20 triệu đồng/tháng (gần 1.000 USD) thì mỗi năm ngân sách sẽ phải chi 1 triệu tỷ đồng, gấp mấy lần GDP hiện nay rồi. Cho nên phải tách bạch rõ 2 khối: quản lý hành chính nhà nước và khối sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa đơn vị sự nghiệp để giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách. Như ở Viện Nghiên cứu mà tôi từng phụ trách, hưởng lương công chức chỉ có vài chức danh lãnh đạo thôi, còn lại là thuê ngoài, khoán theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, nguồn lực để cải thiện thu nhập cho công chức phải bao gồm nhiều hình thức khác nữa, từ chỗ ở đến môi trường làm việc. Những sản phẩm, dịch vụ mà các đơn vị sự nghiệp làm ra, nhiều khi là chất xám - vô hình, phải được định giá đúng, trả tiền sòng phẳng. Viên chức trong các bệnh viện, trường học, sau khi viện phí, học phí được thu đúng, thu đủ rồi thì tự cân đối thu - chi, ngân sách không chi trả nữa...
- Ông nghĩ thế nào về phương châm “chọn người tài chứ không chọn người nhà” mà Thủ tướng phát biểu gần đây?
Hoàn toàn xác đáng. Nhưng tôi muốn thêm vào một ý nữa là chọn người có tài cũng chưa đủ, còn phải có đức nữa; phải tổng rà soát đội ngũ cán bộ của chúng ta từ trên xuống dưới để có giải pháp phù hợp. Ý tôi không phải chỉ thu hút vài ngôi sao mà là phải có được một đội ngũ đồng đều về nhận thức và làm việc ăn ý. Phải công bằng mà nói là người đứng đầu cũng có cái khó của họ, đôi khi lực bất tòng tâm. Dù có phát hiện ra người giỏi, người có đức; nhưng dù muốn bổ nhiệm cũng chưa chắc đã làm được ngay; người kém năng lực cũng không dễ gì mà kỷ luật, sa thải, vì còn phải chịu sức ép từ nhiều phía nữa... Nhưng khi lãnh đạo là những người nắm vững khoa học quản lý, am tường pháp luật và có bản lĩnh thì công tác cán bộ chắc chắn sẽ có bước tiến về chất.
- Xin cảm ơn ông!
ANH PHƯƠNG thực hiện