Châu Á bước đầu khắc phục hậu quả lạm phát

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế của công ty Global Roubini Economics khi nói về những nỗ lực kiềm chế lạm phát của các chính phủ châu Á. Hiện nay dù giá nhiên liệu và lạm phát đang chạm ngưỡng cao năm 2008 nhưng giá thực phẩm ở châu Á đang bình ổn dưới mức đỉnh điểm của năm 2008 (ngoại trừ Indonesia và Hàn Quốc). Tuy nhiên, theo họ, những biện pháp này cũng đang tiềm ẩn những rủi ro lạm phát cao hơn. 

Từ khi thực phẩm chiếm phần lớn hơn dầu trong rổ CPI của châu Á, nó đã tác động đến lạm phát lớn hơn. Có thể nói các nước trong khu vực đã có biện pháp làm nguội nền kinh tế phát triển nóng và kiềm chế tốt lạm phát đợt một. Ảnh hưởng của lạm phát đợt một không quá nghiêm trọng ở một số nước nhờ vào việc giảm phụ thuộc nhập khẩu lương thực, trợ giá thực phẩm và nhiên liệu ở mức cao cho các hộ gia đình và trợ giá điện một phần trong sản xuất.

Trợ giá đang giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách đã tiếp tục phải dùng đến biện pháp hành chính và thương mại (hạn chế xuất khẩu nhiều hơn, nới lỏng nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu thấp hơn) và kiểm soát giá cả để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, các chính phủ châu Á cũng đang định giá thấp đồng tiền của mình.

Tuy nhiên, việc tăng giá khá khiêm tốn của đồng nhân dân tệ, dòng vốn chảy vào quá mạnh nhưng lại mong manh trong khi xuất khẩu suy giảm có thể làm cho sự can thiệp của nhà nước vào tỷ giá hối đoái cao và các đồng tiền khu vực chỉ tăng ở mức trung bình trong năm 2011.

Các nước và lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Công và Đài Loan đang tăng cường thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn cho các dòng vốn và thị trường bất động sản để giảm rủi ro liên quan đến tới hiện tượng bong bóng của thị trường bất động sản và đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính.

Với hiện tượng tăng trưởng tín dụng lên mức cao trước khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách đang thắt chặt điều kiện tín dụng ngân hàng, kể cả bất động sản và nợ phải trả bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, rủi ro đối với tăng trưởng từ Nhật Bản do chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau thảm họa kép động đất sóng thần, hàng tồn kho toàn cầu cao và giá dầu không hợp lý chỉ là tạm thời, vì vậy tăng trưởng trung bình ở hầu hết các nước châu Á trong năm 2010 - 2011 sẽ đạt gần mức đỉnh 2005 - 2007. Kiềm chế lạm phát bước đầu thành công cũng nhờ các nước đã thay đổi chính sách của họ từ ưu tiên tăng trưởng sang tăng trưởng song song với lạm phát, chứ không phải chỉ thiên về kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, những biện pháp của các nước châu Á lại đang dẫn đến nguy cơ một đợt lạm phát mới và sẽ cao điểm trong quý 3 vì giá điện tăng và hoạt động sản xuất giảm nhẹ do ảnh hưởng của hạn chế xuất khẩu và tăng lãi suất. Lạm phát đợt hai sẽ có nguy cơ đến nhanh hơn nếu giá dầu vẫn ở mức cao, điều kiện thời tiết xấu làm giảm sản lượng nông nghiệp và chính phủ trợ giá quy mô. Hiệu quả của các biện pháp này có thể giảm xuống vì tích lũy thấp và sản xuất chậm lại.

Các chuyên gia nhận định tất cả những điều đó có thể vượt qua nếu châu Á giảm chi tiêu cho chính sách trợ giá và cho các yếu tố không mang tính đầu tư, cho phép định giá đồng tiền cao hơn và siết chặt hơn nữa tín dụng cũng như dòng vốn đổ vào.

VIỆT KHOA (Theo roubini.com)

Tin cùng chuyên mục