Kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao khiến chính phủ một số nước châu Á chọn giải pháp thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động lên cao kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại thì cũng là lúc hệ thống ngân hàng tại các nước châu Á đối mặt với những khoản nợ xấu, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.
Khủng hoảng tín dụng châm ngòi vỡ nợ
Bùng nổ tín dụng lên tới 2.700 tỷ USD cách đây hai năm ở hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã đẩy lãi suất huy động lên cao, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và châm ngòi cho các vụ vỡ nợ. Trong một báo cáo gần đây, Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) đã dự đoán nợ xấu các ngân hàng sẽ tăng lên trong suốt nửa đầu năm 2012, một phần là do sự khan hiếm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo CICC, nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng đến 26% trong năm nay còn nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Công được dự kiến có thể sẽ tăng khoảng 40% trong năm 2012. Tới năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tại 5 ngân hàng lớn nhất của nước này có thể tăng lên mức 1,9% so với mức 1,1% năm 2011.
Những lo ngại về nợ xấu đã khiến cổ phiếu các ngân hàng niêm yết trên thị trường Hồng Công giảm tới 42% trong 5 tháng qua. Khảo sát của CICC ở các thành phố Hàng Châu và Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang cho thấy mặc dù đã được các ngân hàng nới lỏng kiểm soát tín dụng, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải chịu một cuộc khủng hoảng tín dụng trong quý 1-2012.
Còn tại Ấn Độ, lần đầu tiên kể từ năm 2009, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong những tháng đầu năm 2012. Theo các chuyên gia phân tích, các ngân hàng tại Ấn Độ đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tín dụng tồi tệ hơn năm 2008. Một báo cáo gần đây của Cơ quan đánh giá Crisil cho thấy, có ít nhất 17% tài sản dư nợ cho vay của các ngân hàng Ấn Độ đang đứng trên bờ vực phá sản.
Trước đó, Crisil dự kiến tổng các khoản nợ xấu của các ngân hàng Ấn Độ tăng từ 2,3% lên 2,6% vào tháng 3-2012, cũng là tháng kết thúc năm tài chính 2011. Đây là hệ quả của hàng loạt tác động tiêu cực như giá cả hàng hóa cao kỷ lục, lãi suất leo thang, thị trường yếu và nỗi sợ hãi về một cuộc khủng hoảng kép tại các nền kinh tế phát triển đã buộc nhiều công ty của Ấn Độ phải cơ cấu lại hoặc tuyên bố không đủ khả năng chi trả cho những khoản nợ.
Các giải pháp đối phó
Để có thể giải quyết tận gốc các cuộc khủng hoảng ngân hàng, nhiều quốc gia châu Á đã chọn giải pháp đóng cửa ngân hàng, tái cơ cấu hoàn toàn, mua nợ xấu, sáp nhập… Tuy nhiên mỗi biện pháp có ưu, nhược điểm riêng và có thể không phù hợp tùy theo từng hoàn cảnh.
Ví dụ trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-1998, Chính phủ Hàn Quốc đã mua lại những khoản nợ xấu của các ngân hàng và bơm thêm tiền để cân đối tài sản. Một số ngân hàng bị quốc hữu hóa. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác, Hàn Quốc chọn giải pháp đóng cửa hoặc chào bán cho bên thứ ba các ngân hàng thua lỗ.
Ngày 6-5 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với 4 ngân hàng tiết kiệm có tình hình tài chính yếu kém là Solomon, Mirae, Hanju và Ngân hàng Tiết kiệm Hàn Quốc do vốn điều lệ hiện thấp hơn nhiều so với mức giới hạn 5%. Nếu không chọn được lãnh đạo mới và nâng tỷ lệ vốn lên trên mức 5% trong 45 ngày tới, những ngân hàng này có thể được chào bán cho bên thứ ba. Đây chỉ là một phần của chiến dịch làm sạch hệ thống ngân hàng Hàn Quốc bắt đầu từ năm 2011. Trong năm 2011, đã có 16 ngân hàng Hàn Quốc bị đình chỉ hoạt động vì thiếu thanh khoản. Một trong số nguyên nhân đẩy các ngân hàng xuống bờ vực là do đã rót vốn cho các dự án bất động sản không hiệu quả.
Đối với Trung Quốc, bước đi đầu tiên của chính phủ là củng cố và tăng cường hệ thống giám sát tài chính bằng việc thành lập Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc, tập trung vào công tác quản trị rủi ro ở các ngân hàng. Ban hành hàng loạt văn bản và quy định mới, áp dụng những chuẩn mực kế toán và kiểm toán độc lập khắt khe hơn, nhận diện những ngân hàng có vấn đề để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, xử lý… Mặc dù Trung Quốc tự đánh giá là thành công trong kinh nghiệm mua bán nợ xấu của các ngân hàng song thực tế, nước này vẫn tồn tại nợ xấu của các chính quyền địa phương, do bản thân các chính quyền địa phương vay rất nhiều, dùng khoản tiền đó để đầu tư vào các dự án trung - dài hạn, mà khoản vay lại là ngắn hạn.
Trong khi đó, để đối phó với tình hình này, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng nhiều hơn đối với các khoản nợ xấu và tăng gấp đôi đối với các khoản nợ cơ cấu lại. Nếu muốn khôi phục lòng tin trên thị trường chứng khoán và trong các tổ chức tài chính, cần tái cơ cấu vốn của các ngân hàng nhanh chóng.
Ngân hàng được xem là ngành huyết mạch trong nền kinh tế của một quốc gia. Do đó, bất cứ sai lầm nào trong hệ thống ngân hàng đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy thoái kinh tế. Cuộc khủng hoảng châu Á 1997-1999 đã cướp đi khoản chi phí tài chính rất lớn để cải tổ lại hệ thống ngân hàng. Ước tính Hàn Quốc mất khoảng 15%-16% GDP, Thái Lan mất khoảng 32% GDP và Indonesia mất đến 48%-50% GDP. Do hệ thống tài chính trên toàn cầu ngày càng bế tắc, các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế của châu Á cần suy ngẫm lại về cuộc khủng hoảng tài chính trước đó để tìm ra giải pháp giải quyết bài toán nợ xấu ngân hàng hiện nay.
Hạnh Chi (tổng hợp)