Ngoài những con số tăng trưởng ấn tượng về kinh tế trong vài năm gần đây, châu Á còn được đánh giá là khu vực có thị trường du lịch phát triển mạnh mẽ. Theo tài liệu Chỉ số cạnh tranh du lịch (T&T) năm 2014 do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ấn hành, Australia và Nhật Bản vừa được bình chọn là những điểm đến thân thiện nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Còn trong bảng xếp hạng du lịch toàn cầu, Australia đứng vị trí thứ 7 (tăng 4 bậc so với năm 2013), Nhật Bản đứng vị trí thứ 9 (tăng 5 bậc), Trung Quốc ở vị trí 17 (tăng 28 bậc). Lý giải cho sự tăng hạng của các quốc gia trên, tài liệu cho rằng những nước này có nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch dồi dào, hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, chú trọng bảo vệ các di sản văn hóa và bảo vệ môi trường.
Australia đứng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ vào chính sách tiền tệ có tỷ giá thấp hơn so với đồng USD. Nước này có kế hoạch chi gần 91 triệu USD trong việc quảng bá, đầu tư cho các cơ sở phục vụ du lịch như sòng bài, trung tâm hội nghị, khách sạn và điểm đến tham quan. Nhật Bản cũng đã đón đến 13 triệu lượt khách tham quan trong năm 2014. Phần lớn du khách đến Nhật là người châu Á. Trong đó số lượng khách Trung Quốc đến nước này đã tăng gấp đôi. Theo T&T, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về dịch vụ phục vụ khách hàng và xếp vị trí thứ hai về các di sản văn hóa độc đáo.
Hàn Quốc, quốc gia luôn luôn nằm trong danh sách những điểm đến hàng đầu ở châu Á đã thành công khi tận dụng lợi thế ở các kênh quảng bá, ẩm thực, văn hóa để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói. Làn sóng yêu thích Hàn Quốc với các thần tượng phim ảnh, âm nhạc, khiến cho việc du lịch tới đây có ý nghĩa khác biệt hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Ở Đông Nam Á, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có ngành du lịch thân thiện nhất vì môi trường xanh và sạch. Để tăng thêm nguồn khách du lịch từ 3% - 4% trong năm 2015, Tổng cục Du lịch Singapore (STB) hợp tác tập đoàn quản lý sân bay Changi (CAG) đầu tư 35 triệu SGD (gần 30 triệu USD) để mở các chiến dịch tiếp thị du lịch tại các thị trường trọng điểm của Singapore như Australia, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo T&T, để tận dụng lợi thế về thị trường du lịch như hiện nay, châu Á cần có thêm nhiều chính sách linh hoạt hơn cho ngành công nghiệp du lịch. Dân số thế giới đang ngày một già đi, với số người ở tuổi trên 60 sẽ tăng lên 1,4 tỷ người trong năm 2030 so với con số 900 triệu người ở năm 2010, sẽ là thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch. Bởi lẽ, nhu cầu của những người cao tuổi sẽ khắt khe hơn, họ đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt hơn. Trong thời gian tới, các nước thu nhập trung bình sẽ đón được lượng khách du lịch quốc tế cao hơn so với các nước có thu nhập cao do chi phí du lịch thấp. Các quốc gia đang phát triển trong khu vực châu Á còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Nếu biết tận dụng lợi thế về môi trường, cảnh sắc du lịch, dịch vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp không khói sẽ giúp nền kinh tế các nước đang phát triển thu về thêm hàng triệu USD mỗi năm.
THANH HẰNG