Châu Á vướng bài toán nợ gia đình

Một số nền kinh tế châu Á đạt thặng dư cán cân thanh toán lớn, có thể phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ do nợ gia đình tăng cao, tạo nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế lớn hơn việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều đặn tăng lãi suất.
Tài chính tiêu dùng là con dao 2 lưỡi đối với nền kinh tế
Tài chính tiêu dùng là con dao 2 lưỡi đối với nền kinh tế

Nợ kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Theo Bloomberg, nhu cầu vay tiêu dùng ở Trung Quốc rất lớn khi thị trường tài chính tiêu dùng nước này được dự báo sẽ đạt quy mô 500 tỷ USD vào năm 2019, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình nền kinh tế từ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo mức lãi suất cắt cổ mà người tiêu dùng trẻ tuổi phải trả cùng với tỷ lệ nợ gia đình của Trung Quốc có xu hướng tăng cao có thể đem lại rắc rối cho hệ thống tài chính nước này. Các khoản vay của gia đình tăng trong 10 năm liên tiếp với tốc độ chóng mặt. Nợ khu vực tư ở Trung Quốc đạt 6.700 tỷ USD, tương đương 50% tổng sản phẩm quốc nội.

Tuy nhiên, những rủi ro do nợ gia đình tăng không phải là câu chuyện của riêng Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 3-2018, Thái Lan gánh núi nợ lên đến 12,17 ngàn tỷ baht (372 tỷ USD), tương đương 77,6% GDP của nước này. Các gia đình Thái Lan trở thành một trong những đối tượng vay nợ lớn nhất ở châu Á, phải chật vật trả nợ và điều này đang kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan. Giờ đây, gánh nợ của họ sẽ càng nặng thêm khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết có thể tăng lãi suất cơ bản của đồng baht do đang ở mức thấp gần kỷ lục, đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á. Số liệu tăng trưởng GDP trong quý 2 cho thấy nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm lại so với quý 1 dù Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng GDP 4,2 - 4,7% cho năm 2018. Các nhà kinh tế nhận định tăng trưởng kinh tế Thái Lan vẫn phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu khi mà mức nợ gia đình quá cao, trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng.

Sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ?


Mặc dù nền kinh tế Thái Lan và Nhật Bản được cho là “miễn nhiễm” với việc lãi suất toàn cầu tăng do Mỹ nâng lãi suất, nhưng hiện nay, những nước này đang đối mặt với sức ép gia tăng trong việc bình thường hóa các điều kiện tín dụng sau nhiều năm lãi suất thấp khuyến khích hoạt động cho vay trong nước. Hôm 20-9, Ngân hàng Trung ương Thái Lan quyết định giữ nguyên lãi suất, song cho biết nhu cầu triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại sẽ được giảm bớt dần, nhiều khả năng có thể sớm bắt đầu thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt lần đầu tiên trong nhiều năm.

Ngoài Thái Lan, Hàn Quốc cũng có khả năng rơi vào vòng xoáy suy giảm kinh tế kéo dài. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì chi tiêu vượt quá khả năng chi trả. Ngày 20-9, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cảnh báo nợ gia đình đang tăng nhanh hơn mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).  Hiện ngân hàng này đang chịu sức ép chính trị phải tăng lãi suất nhằm đối phó với thực trạng giá nhà leo thang. Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ tăng lãi suất 1 lần trước cuối năm nay nhằm bắt kịp đà tăng của lãi suất Mỹ.

Tài chính tiêu dùng có thể trở thành động lực hỗ trợ nền kinh tế mạnh mẽ bởi nó thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn, kích cầu tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên thực tế cho thấy đây cũng là con dao 2 lưỡi cần được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế đất nước.

Tin cùng chuyên mục