Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình VTM của Bỉ gần đây, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy khẳng định năm 2014 sẽ là năm phục hồi của nền kinh tế EU. Tuy nhiên, những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội ở các quốc gia EU đang nóng lên từng ngày, khiến EU khó tạo được đột phá.
Mệt mỏi vì thâm hụt và nợ công
Theo báo Le Monde, gần 20.000 người ngày 27-1 đã tập trung về thủ đô Paris của Pháp để biểu tình phản đối những chính sách hiện nay của Tổng thống Francois Hollande. Cuộc biểu tình diễn ra trong bạo lực khi những thanh niên đã ném chai lọ, pháo hoa, thanh sắt, thùng rác khiến 12 cảnh sát bị thương. Ít nhất 150 người tham gia biểu tình đã bị bắt.
Cuộc biểu tình có tên “Ngày nổi giận” do phe cánh hữu khởi xướng, nhằm yêu cầu Tổng thống Hollande hủy các đạo luật mới, như đạo luật liên quan hôn nhân đồng giới (có hiệu lực từ tháng 5-2013) hay thuế môi trường (nhằm nỗ lực bù đắp thâm hụt ngân sách) làm tăng áp lực thắt lưng buộc bụng đối với người dân.
Trong cuộc biểu tình này, phe cánh hữu cũng yêu cầu chính phủ Pháp rút khỏi Liên minh châu Âu để tránh bị ảnh hưởng từ dòng người nhập cư (đặc biệt từ khu vực Trung Đông), cũng như không muốn gánh phần khủng hoảng nợ công của các quốc gia thành viên EU khác.
Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp gần 11%. Vì vậy, việc ông Hollande cam kết nước này sẽ cắt giảm 50 tỷ USD chi tiêu công từ năm 2015-2017, tương đương 4% tổng chi tiêu công, càng làm mất lòng người dân. Uy tín của Tổng thống Pháp đã giảm xuống mức kỷ lục khi số liệu khảo sát mới nhất cho thấy, cứ 10 người Pháp thì có 7 người không tin vào những điều mà ông Francois Hollande cam kết trong thông điệp đầu năm.
Một điểm tối trong bức tranh châu Âu được ghi nhận ở Italia, nơi mà nợ công đã chạm mốc mới ở 2.104 tỷ EUR, đó là chính phủ nước này ngày 24-1 đã thông qua kế hoạch bán một phần Công ty bưu chính Poste Italiane và Công ty kiểm soát không lưu Enav thuộc sở hữu nhà nước để có thêm tiền thanh toán nợ công.
Trước đó, gần 50 pháo đài, lâu đài, cung điện cũng đã được bán để bù cho nợ công. Trong khi đó, Cảnh sát tài chính Italia (GdF) vừa công bố kết quả điều tra về tình trạng lạm dụng công quỹ của các cơ quan hành chính công nước này trong năm 2013.
Việc lạm dụng công quỹ do sơ hở trong quản lý và thực trạng quan liêu trong các cơ quan công quyền đã gây thiệt hại cho ngân sách nước này hơn 5 tỷ EUR. Theo GdF, đã có 4.300 vụ chi lãng phí, dẫn đến thiệt hại 3,5 tỷ EUR ngân sách trong lĩnh vực hành chính, 1/3 số thiệt hại này là ở ngành y tế. 1,5 tỷ EUR thất thoát còn lại là do lãng phí hoặc tham nhũng trong các cơ quan nhà nước.
EU vẫn còn tranh cãi
Có mặt ở thủ đô Brussels của Bỉ ngày 27-1, các Bộ trưởng Tài chính của EU đã tỏ thái độ không mấy yên tâm về lộ trình khắc phục khủng hoảng mà Hy Lạp cam kết với các thể chế tài chính và các quốc gia là chủ nợ của Hy Lạp. Bộ ba chủ nợ của Hy Lạp gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến nay vẫn chưa có đánh giá cuối cùng về các cải cách mà Hy Lạp cam kết thực hiện (trong đó, cam kết mới nhất là cắt giảm 3,1 tỷ EUR các khoản chi tiêu).
Sự trì hoãn này khiến các cuộc đàm phán về giải ngân gói cứu trợ 1 tỷ EUR cho Hy Lạp phải bị ngưng trệ từ tháng 6-2013 đến nay.
Tháng 5 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong khu vực lên đến 12% cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng dai dẳng, đang tạo ra những rào cản đối với khả năng hội nhập khối. Đặc biệt là gây trở ngại đối với việc thông qua các điều luật liên quan đến việc thành lập một liên minh ngân hàng cũng như gây chia rẽ sâu sắc giữa các bên ủng hộ và không ủng hộ đồng EUR
Như Quỳnh (tổng hợp)