Châu Âu cũng còn cảnh rác thải sinh hoạt ngập đường

27-3 là ngày cuối cùng được gia hạn cuộc đình công kéo dài sang tuần thứ 3 của những người thu gom rác phản đối dự Luật Cải cách chế độ hưu trí của Chính phủ Pháp. Lúc này, thủ đô Paris hoa lệ đang ngập trong 10.000 tấn rác thải sinh hoạt.
Đường phố Paris ngập trong rác
Đường phố Paris ngập trong rác

Chịu phạt nặng vì rác

Những người biểu tình bày tỏ thái độ phẫn nộ trước việc chính phủ dùng đến Điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật cải tổ hưu trí mà không cần đưa ra biểu quyết ở quốc hội. Họ cũng bày tỏ sự bất bình về những phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron, dứt khoát không rút lại dự luật mà ông cho là cần thiết để bảo đảm nguồn tài chính cho hệ thống hưu trí.

Kể từ khi Điều 49.3 được thông báo tại quốc hội, cuộc sống hàng ngày của người dân Paris bị ô nhiễm trầm trọng và chưa thấy có dấu hiệu cải thiện. Các quán bar, nhà hàng hầu như không có khách, vì chẳng ai muốn ngồi uống bia hay nhâm nhi cà phê trên những vỉa hè chất đầy rác. Người dân Paris ngày càng bất mãn với hành động phản đối của các nghiệp đoàn vệ sinh môi trường khi tình trạng ùn ứ rác đã khiến lũ chuột hoành hành ở các khu vực công cộng. Thêm vào đó là thời tiết ấm lên và lác đác vài cơn mưa làm cho rác thải sinh hoạt nhanh bị thối rữa, bốc mùi, tạo nên nguy cơ lớn cho dịch bệnh phát triển.

Việc để thành phố ngập trong rác như hiện nay là điều đáng tiếc. Nhiều vụ phá phách xảy ra trong những ngày gần đây càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã không thể giải quyết được đối với người dân của các quận nội thành. Người dân rất bất bình vì rác thải ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Họ không phản đối việc đình công, nhưng theo họ, còn nhiều cách khác tốt hơn. Đình công theo kiểu để thành phố ngập trong rác là không chấp nhận được, vì nó gây hại tới vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của người dân. Hơn nữa, hình ảnh rác thải đầy đường không hề đẹp trong mắt khách du lịch, để lại ấn tượng xấu cho thành phố Paris hoa lệ.

Trong khi đó, tại thành phố Reading ở miền Nam nước Anh, nơi hợp lưu của sông Thames và sông Kennet, cũng đang chịu đựng lượng rác thải sinh hoạt ngoài tầm kiểm soát ở một số khu vực trong thành phố. Theo tờ Reading Chronicle, ngày 23-3, Hội đồng thành phố vừa công bố ban hành 395 khoản phạt đối với hành vi đổ rác trong 2 năm gần đây, nhất là năm 2021 và 2022, với phần lớn trong số này là 353 lệnh phạt hành vi đổ rác bừa bãi, 28 khoản phạt do xả rác và 14 khoản phạt do các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đổ rác, chăm sóc để xử lý chất thải thương mại. Số lượng tiền phạt đã tăng 59 lần so với những năm 2020 và 2021.

Italy cũng đã từng bị Tòa án Liên minh châu Âu (EU) phạt 20 triệu EUR vì hệ thống thu gom và xử lý rác thải không đạt kết quả ở vùng Campania, miền Nam nước này. Thêm nữa, Italy còn chịu phạt thêm 120.000 EUR/ngày khi vấn đề xử lý rác chưa được giải quyết ổn thỏa, vi phạm các tiêu chuẩn về rác thải của EU.

Nỗi lo thường trực

Bên cạnh cuộc khủng hoảng rác thải sinh hoạt kéo dài trong nhiều tuần qua, phát sinh từ cuộc khủng hoảng xã hội, nước Pháp vốn dĩ còn thua các nước châu Âu khác như Đức, Na Uy, Thụy Sĩ - những nước đã đạt được mục tiêu tái sử dụng hơn 90% hàng nhựa nhờ phối hợp việc tái xử lý chuyển đổi thành nhiên liệu. Cựu Thủ tướng Edouard Philippe từng đặt mục tiêu, đến năm 2025 sẽ tái xử lý toàn bộ rác thải nhựa trên toàn lãnh thổ Pháp. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa tiến triển và cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nỗ lực chung của châu Âu về xử lý rác thải nhựa.

Ngoài ra, châu Âu cũng đang đau đầu với rác thải công nghệ. Ngày 22-3 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất những quy định mới buộc các nhà sản xuất thiết bị công nghệ phải nhận sửa chữa thiết bị hỏng của khách hàng nhằm giảm số lượng sản phẩm công nghệ bị vứt bỏ. EU ước tính, số lượng sản phẩm như máy rửa bát, tivi hay điện thoại di động bị vứt bỏ dù vẫn sử dụng được tại các nước trong khối này đã dẫn tới lượng rác thải công nghệ lên tới 35 triệu tấn mỗi năm. Chi phí cho việc mua mới các thiết bị thay thế lên tới 12 tỷ EUR/năm.

Theo những đề xuất mới của EC, các nhà sản xuất sẽ phải sửa chữa thiết bị vẫn còn bảo hành, nếu chi phí sửa chữa bằng hoặc thấp hơn chi phí thay thế thiết bị. Người tiêu dùng cũng sẽ có quyền yêu cầu các công ty đó phải sửa chữa sản phẩm trong vòng 10 năm kể từ khi mua, nếu sản phẩm đó vẫn sửa được, ngay cả khi hết hạn bảo hành. Ngoài ra, các quy định mới cũng tìm cách nâng cao nhận thức của người tiêu dùng ưu tiên sửa chữa những sản phẩm vẫn còn bảo hành hơn là thay mới, bằng cách yêu cầu các quốc gia EU thiết lập cơ sở dữ liệu trực tuyến để giúp người tiêu dùng tìm được nơi sửa chữa phù hợp… Trọng tâm của đề xuất này là giúp người tiêu dùng có thể sửa chữa đồ dùng của họ một cách dễ dàng hơn và hạn chế việc mua mới các thiết bị, từ đó sẽ góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu rác thải, khí thải nhà kính và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Các nhóm vận động bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường lâu nay đã thúc đẩy EU thắt chặt quy định nhằm đảm bảo các công ty đưa ra những lựa chọn dễ dàng hơn, giúp sửa chữa sản phẩm của công ty. Giám đốc Tổ chức người tiêu dùng châu Âu Monique Goyens cho rằng, các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn và dễ sửa chữa hơn sẽ giúp tiết kiệm tiền của cho người tiêu dùng, cũng như tài nguyên trên trái đất.

Tin cùng chuyên mục