Italia và Bồ Đào Nha trải qua những ngày cuối tuần không êm ả khi phải chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ 2 nước này. Không ít cuộc biểu tình tại Italia đã biến thành bạo lực buộc cảnh sát đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để trấn át. Hàng chục người biểu tình quá khích đã bị bắt giữ.
Biện pháp quá khắt khe
Theo Reuters, người biểu tình tập trung ở phía trước Bộ Kinh tế Italia đã lật đổ các thùng rác, đốt cháy chúng, rồi dùng gậy gộc tấn công lực lượng chống bạo động. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra tại Bộ Cơ sở hạ tầng và giao thông. Rất nhiều cửa hàng xung quanh khu vực bị hư hỏng khi người biểu tình ném bom khói, chai lọ, gạch đá. Hai cảnh sát đã bị thương trong các vụ xô xát, 15 người biểu tình bị bắt giữ.
Các nhà tổ chức cho biết số người tham gia biểu tình lên tới 70.000 người. Họ chỉ trích Chính phủ Italia áp đặt các biện pháp khắc khổ một chiều, vừa không giúp giảm nợ công vừa gây cản trở phát triển kinh tế. Họ cũng lên án việc chính giới nước này đang được nhận những đặc quyền, đặc lợi quá lớn. Một số người biểu tình còn đe dọa sẽ phong tỏa thành phố Rome. Khoảng 3.000 - 4.000 cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo an ninh.
Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Italia đang phải vật lộn thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài 2 năm, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục, hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa và gây hiện tượng “chảy máu” lao động trẻ.
Trong khi đó, hàng ngàn người Bồ Đào Nha cũng xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp cắt giảm lương và lương hưu trong Dự luật ngân sách năm 2014 của chính phủ. Dự luật quy định những khoảng cắt giảm mà Lisbon phải thực hiện để đáp ứng các điều kiện cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Các cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô Lisbon và Porto, TP lớn nhất ở miền Bắc. Người biểu tình không chấp nhận các biện pháp cắt giảm lương, đồng thời hô hào tổ chức biểu tình ở Lisbon vào ngày 1-11 để đòi tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn và chấm dứt các biện pháp khắc khổ. Trong số các biện pháp khắt khe nhất Lisbon phải thực hiện có kế hoạch giảm mạnh lương trong khu vực dịch vụ dân sự (dao động từ 2,5% đến 12%) và giảm 10% lương đối với viên chức về hưu.
120 triệu người sống trong nghèo túng
Theo một khảo sát của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế mới được công bố, châu Âu đang rơi vào một giai đoạn nghèo túng kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan. Tất cả được cho là hậu quả của các chính sách khắc khổ mà một loạt nước châu Âu đã và vẫn đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và tiền tệ suốt 4 năm qua.
Báo cáo dày 68 trang của tổ chức này nhấn mạnh: trong khi các châu lục khác đạt được thành công trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo thì châu Âu góp thêm vào tình trạng này. Thất nghiệp hàng loạt, 120 triệu người châu Âu đang sống trong nghèo túng hoặc bên bờ vực của nghèo túng, làn sóng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng song hành với tâm lý bài ngoại ở các nước tiếp nhận, nguy cơ gia tăng bất ổn chính trị và náo loạn xã hội tại châu Âu giờ đây được dự báo cao hơn các khu vực còn lại trên thế giới 2 - 3 lần. Bên cạnh đó là sự mất an ninh ngày càng tăng. Tất cả những điều này đang khiến tương lai của châu Âu trở nên bấp bênh hơn bất cứ giai đoạn nào trong kỷ nguyên hậu chiến.
So với năm 2009, có thêm hàng triệu người đang phải xếp hàng chờ thực phẩm miễn phí, không có tiền mua thuốc hay đi khám chữa bệnh. Hàng triệu người không có việc làm và nhiều người dù vẫn có việc làm nhưng phải trầy trật để nuôi cả gia đình với mức lương thấp trong khi giá cả tiếp tục tăng. Số người phải phụ thuộc vào các điểm phân phối thực phẩm của Hội Chữ thập đỏ tại 22 trong số các nước khảo sát đã tăng tới 75% từ năm 2009 đến 2012.
ĐỖ CAO (tổng hợp)