EEA khẳng định, ô nhiễm không khí vẫn là rủi ro sức khỏe môi trường lớn nhất ở châu Âu. Cũng theo cơ quan này, mặc dù khối lượng và nồng độ khí thải chứa các chất gây ô nhiễm không khí đã giảm đáng kể trong 2 thập kỷ qua ở châu Âu, chất lượng không khí vẫn còn kém ở nhiều khu vực. Cụ thể, từ năm 2005-2020, số ca tử vong sớm do tiếp xúc với vật chất dạng hạt mịn trong không khí đã giảm 45% ở EU. Tuy nhiên, 96% dân số thành thị của EU vẫn tiếp xúc với nồng độ hạt mịn vào năm 2020 cao hơn mức 5 microgam/m3 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định. Ô nhiễm không khí làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp và tim mạch, trong đó bệnh tim và đột quỵ được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các ca tử vong sớm.
Vật chất hạt mịn, hay PM2.5, thuật ngữ chỉ các hạt mịn thường, là sản phẩm phụ của khí thải ô tô hoặc nhà máy nhiệt điện than và hoạt động sưởi ấm. Kích thước của các chất gây ô nhiễm cho phép chúng đi sâu vào đường hô hấp, làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản và các bệnh phổi khác. Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân gây ung thư ở châu Âu, đặc biệt là ung thư phổi. Báo cáo của EEA cũng cho biết, khoảng 49.000 ca tử vong sớm xảy ra do ô nhiễm nitrogen dioxide (NO2) và 24.000 ca tử vong sớm do tiếp xúc với ozone.
Theo bảng xếp hạng của EEA về chất lượng không khí ở hơn 340 thành phố thuộc EU, từ năm 2020-2021, chỉ có 11 thành phố có chất lượng không khí theo tiêu chuẩn WHO, nghĩa là mức PM2.5 thấp hơn 5 microgam/m3 gồm các thành phố Umea, Stockholm, Uppsala, Norrkoping (Thụy Điển), Faro, Funchal (Bồ Đào Nha), Tampere (Phần Lan), Narva, Tallinn (Estonia), Bergen (Na Uy), Reykjavik (Iceland). Năm 2021, WHO đã công bố các hướng dẫn mới về chất lượng không khí sau khi xem xét có hệ thống các bằng chứng khoa học mới nhất chứng minh ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe con người. EU cũng đã thiết lập các tiêu chuẩn cho các chất gây ô nhiễm không khí chính trong các chỉ thị về chất lượng không khí thải.
Trong Thỏa thuận xanh châu Âu hồi tháng 10, EC cam kết cải thiện hơn nữa chất lượng không khí và điều chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng không khí của EU, hướng đến tiêu chuẩn của WHO. Cam kết này được đưa ra trong kế hoạch hành động không ô nhiễm, đặt ra tầm nhìn cho năm 2050 nhằm giảm ô nhiễm không khí, nước và đất xuống mức không còn bị coi là có hại cho sức khỏe và hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, kế hoạch hành động không ô nhiễm đã đưa ra các mục tiêu cho năm 2030, hai trong số đó tập trung vào không khí nhằm mục đích giảm hơn 55% ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí với so với năm 2005; giảm 25% ô nhiễm không khí đe dọa đa dạng sinh học so với năm 2005. Các tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt hơn cũng sẽ góp phần vào các mục tiêu của Kế hoạch chống ung thư của châu Âu.
Theo ông Frans Timmermans, Giám đốc Thỏa thuận xanh của EU, “mỗi ngày, chúng tôi nhận được thông tin mới về mức độ đe dọa của ô nhiễm với sức khỏe cộng đồng. Giờ đây, trẻ em sinh ra đã có hạt vi nhựa trong máu và hóa chất cấm tồn tại trong cá và rau”. Ông Timmermans cho rằng, xã hội đang phải trả giá đắt cho tình trạng ô nhiễm bằng cả tiền bạc, sức khỏe và tính mạng con người.