
Hóa đơn tiền điện và khí đốt của người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu sẽ không còn cao như trước nữa. Kể từ nay, họ có thể sẽ tiết kiệm được đến 80 tỷ USD/năm

Nhà máy điện hạt nhân của Công ty Điện lực Pháp.
Hồi đầu tháng 7, thị trường điện châu Âu đã được mở cửa. Điều đó có nghĩa, kể từ nay, công dân của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có quyền tự chọn cho mình nhà cung cấp điện hoặc khí đốt mà mình ưa thích. Theo dự báo, việc mở cửa sẽ làm cho giá của hai mặt hàng thiết yếu này giảm xuống - tin mừng cho người dân lẫn doanh nghiệp.
Theo tờ báo Anh The Guardian, nhờ việc tự do hóa thị trường, hàng năm, các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 59 tỷ euro (gần 80 tỷ USD) trên chi phí phải trả cho tiêu thụ điện và khí đốt. Việc mở cửa thị trường năng lượng đã được Ủy ban châu Âu (EC) cổ xúy. Theo ủy ban, khi mở cửa, thị trường năng lượng sẽ trở nên rất cạnh tranh, như thế sẽ làm cho giá cả hạ xuống đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền vào xây dựng vào cơ sở hạ tầng ngành điện và khí đốt. Nó cũng giúp bảo vệ các nhà phân phối và thúc đẩy phát triển sản xuất các loại năng lượng có thể tái tạo như điện từ sức gió hoặc điện mặt trời.
Andris Piebalgs, ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề năng lượng, nói rằng người tiêu dùng châu Âu nên chọn cho mình một nhà cung cấp. Theo ông, thị trường năng lượng châu Âu chỉ có thể hoạt động tốt nếu người tiêu dùng tích cực tham gia và có tiếng nói trên thị trường này. Hồi năm 2004, EC đã đưa ra các nguyên tắc về tự do hóa thị trường mua bán điện và khí đốt, bước đầu là đối với doanh nghiệp. Theo các nguyên tắc này, doanh nghiệp được quyền lựa chọn nhà cung cấp, miễn là nhà cung cấp đó hoạt động tại một nước thành viên EU. Việc này đã được thực hiện. Đến nay thì cả người tiêu dùng châu Âu cũng được tự do mua điện hoặc khí đốt của bất cứ nhà cung cấp châu Âu nào họ thấy thích.
Không phải ai cũng hoan nghênh quyết định mở cửa thị trường. Bởi lẽ nhiều công ty năng lượng - chủ yếu của nhà nước - bị mất thế độc quyền, không thể bán giá cao và ăn lãi cao như trước nữa. Tại Pháp chẳng hạn, quyết định mới đã chấm dứt 60 năm độc quyền của hai doanh nghiệp nhà nước là Công ty Điện lực và Công ty Khí đốt trong việc cung cấp năng lượng. Từ nay, người tiêu dùng Pháp có thể mua điện hoặc khí đốt của các công ty tư nhân như Suez hoặc Poweo. Đó là một thay đổi quan trọng. Piebalgs cho biết EC sẽ tiếp tục theo dõi việc tự do hóa thị trường ở các nước thành viên EU. Ông cũng cho biết thêm, sắp tới, EC sẽ ban hành một số biện pháp bổ sung để giúp thị trường năng lượng vận hành được thuận lợi hơn.
Thụy Anh (Theo Business Week)
Thụy Điển là nước đã sớm phá thế độc quyền cung ứng năng lượng. Hãy xem kinh nghiệm của quốc gia Bắc Âu này về việc thay đổi nhà cung cấp. Để thay đổi nhà cung cấp, người Thụy Điển chỉ cần gọi điện thoại hoặc lên Internet rồi nhấp chuột. Thế là xong. Bổn phận của nhà cung cấp mới là phải liên lạc với nhà cung cấp cũ để dàn xếp các chi tiết kỹ thuật. Tuy nhiên, chi phí của việc này thường không mấy dễ chịu. Nếu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người mua điện phải bồi thường. Tại đất nước lạnh lẽo này, có 3 công ty là Vattenfall, Fortum và E.ON sản xuất đến 87% lượng điện. Tuy nhiên, các gia đình Thụy Điển lại được 130 nhà cung cấp điện phục vụ với nhiều chiêu khuyến mại. Đó là bán điện tính giá theo giờ (có giờ giá cao, giờ giá thấp); sử dụng nhiều và cố định số lượng thì giá giảm (5 năm rẻ hơn 1 năm, 1 năm rẻ hơn 6 tháng)… Vì lẽ đó, người Thụy Điển hay thay đổi nhà cung cấp điện. Năm ngoái, có 340.000 gia đình đã hủy hợp đồng cũ, ký hợp đồng mới với một nhà cung cấp khác, tăng 18% so với năm 2005. (Theo Le Point) |