Châu Âu “sờ gáy” các công ty đa quốc gia của Mỹ

Khi Anh và Đức công bố kế hoạch thúc giục các cường quốc kinh tế của nhóm G20 có biện pháp mạnh tay để buộc các công ty đa quốc gia phải chia sẻ công bằng về thuế thì cũng là lúc châu Âu phát hiện ra từ nhiều năm qua, họ đã bị thất thu nhiều khoản thuế khổng lồ.

Mùa xuân năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã đề xuất thành lập bộ quy tắc kiểm toán chung trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với nghĩa vụ đóng thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Tổng thống Pháp François Hollande, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng vừa kêu gọi EU phối hợp tăng cường các biện pháp ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế.

Hơn lúc nào hết, các tập đoàn Mỹ ở nước ngoài đang đối mặt với các vụ kiện pháp lý và đang bị truy thu thuế cũng như các khoản phạt liên quan đến trốn thuế. Làm thế nào mà Google chỉ nộp thuế chưa tới 10 triệu USD trong năm 2011 dù doanh số bán hàng đạt hơn 4 tỷ USD ở Anh? Còn Starbucks, chuỗi thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới, chỉ phải trả 13,7 triệu USD cho tiền thuế trong hơn 13 năm qua, trong khi doanh số bán hàng gần 5 tỷ USD.

Theo giải thích của Giám đốc Tài chính Starbucks tại phiên điều trần của lãnh đạo ba công ty đa quốc gia của Mỹ là Starbucks, Google và Amazon mới đây trước Quốc hội Anh, công ty này không kiếm được lời ở nước Anh. Tuy nhiên, giới chức Anh cho rằng thật phi lý vì nếu không kiếm được lời, sao họ vẫn tiếp tục đầu tư tại đây. Giới chức Pháp vừa gửi hóa đơn truy thu thêm 252 triệu USD tiền thuế của Amazon và đang tìm kiếm tiền thuế, tiền phạt Google lên đến 2,19 tỷ USD.

Theo giới chuyên gia tài chính Anh, các công ty này sử dụng chiêu thức chuyển doanh số bán hàng ở Anh sang một công ty con ở một trong các lãnh thổ hải ngoại của Anh, nơi có mức thuế thấp. Amazon tránh thuế ở Anh bằng cách báo cáo doanh số bán hàng châu Âu thông qua một đơn vị đặt tại Luxembourg, nơi thuế suất chỉ bằng 11% trên lợi nhuận - ít hơn một nửa thuế suất thu nhập trung bình doanh nghiệp trong các thị trường lớn.

Apple được coi là có chiến lược né thuế tinh vi và “hợp pháp” nhất. Công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới này chỉ phải trả 713 triệu USD tiền thuế cho 36,8 tỷ USD tổng lợi nhuận trước thuế từ nước ngoài trong năm tài khóa kết thúc ngày 29-9. Doanh thu từ nước ngoài của Apple đã tăng 53% so với năm tài khóa 2011, trong khi mức thuế mà hãng phải đóng trong năm ngoái là 2,5%.

Theo New York Times, khi cổ phiếu của Apple bắt đầu tăng vọt vào năm 2006, họ đã lập một chi nhánh mang tên Braeburn Capital ở thành phố Reno, bang Nevada, nơi có mức thuế doanh nghiệp là 0%, trong khi tại bang California, nơi Apple đặt trụ sở, là 8,84%. Tương tự như tại Nevada, Apple đã mở nhiều văn phòng tại những “thiên đường” về thuế như Ireland, Hà Lan, Luxembourg, British Virgin Islands.

Dù đến thời điểm này, vẫn chưa có chứng cứ cáo buộc vi phạm pháp luật nhưng theo Ủy ban Tài chính công của Quốc hội Anh, việc lách luật của các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ là “vô đạo đức” vì không chia sẻ trách nhiệm đóng thuế một cách công bằng trong môi trường tài chính hiện tại đang khó khăn của Anh, cũng như các nước châu Âu khác. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục