Cháy bỏng với múa lân - sư - rồng

Cháy bỏng với múa lân - sư - rồng

Lân thường được biết đến như một loài vật mang sự sung túc và may mắn. Múa lân với những điệu múa uyển chuyển, mạnh mẽ biểu lộ rõ sự uy quyền mang đến sự hưng thịnh cho gia chủ. Theo thời gian, nghệ thuật múa lân đã có những thay đổi phù hợp với nhu cầu thưởng thức và đời sống tinh thần của xã hội. Đây không phải là môn nghệ thuật hời hợt và chóng vánh bởi sự thành bại của nó được đổi bằng mồ hôi, máu, nước mắt và cả sự đam mê lớn của nhiều người.

Gian nan và thử thách

Để có được những màn biểu diễn lân - sư - rồng mang tính nghệ thuật cao, các vũ công phải tuân thủ một chế độ tập luyện nghiêm ngặt đến mức khắt khe và đòi hỏi có một sức khỏe thật tốt. Vũ công múa lân muốn chuyên nghiệp hóa phải sống và luyện tập hoàn toàn ở đoàn lân trong nhiều năm, không thể vừa đi làm vừa tập múa. Do ngôn ngữ biểu diễn của múa lân là thể hiện một cách nghệ thuật các chiêu thức võ thuật nên bài học đầu tiên của vũ công là phải thành thục các môn võ như Judo, Wushu… Việc thạo công phu còn giúp cho họ tránh được lỗi kỹ thuật và hạn chế ít nhất có thể những chấn thương không đáng có. Trong múa lân, việc các vũ công trượt té nhiều lần giúp họ nhận ra độ khó, lĩnh hội được cái cơ bản nhất và rút kinh nghiệm cho bản thân để thể hiện bài múa một cách thẩm mỹ nhất.

Bên cạnh đó, một tuần, vũ công chỉ được nghỉ ngơi một ngày, những ngày còn lại mỗi ngày phải đảm bảo tập luyện đủ 3 suất (mỗi suất tương đương 1 - 3 giờ), trong đó 2 giờ tập thể lực, 2 giờ tập các động tác cơ bản trong múa lân (cách điều khiển lân sao cho mạnh mẽ, dứt khoát; nhịp trống lân...), 2 giờ còn lại học cách thể hiện chi tiết con lân cốt sao cho lân có được thần khí. Trong các giải đấu quốc tế, kỹ năng và kỹ thuật được tính 2 điểm còn 8 điểm dành cho tiết tấu, nhạc gõ, thăng bằng và cảm xúc con lân.

Đặc biệt trong các bài múa lân gồm: Lân lên mai hoa thung, Tứ quý lân, Lân đi cà kheo... thì Lân lên mai hoa thung là bài múa đỉnh cao của môn nghệ thuật này và chỉ có người biểu diễn lâu năm mới có thể làm được. Điệu múa với con lân nhảy múa, nhào lộn trên dàn Mai hoa thung với 24 cọc sắt (mỗi cọc cao từ 1,2m trở lên) mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời con người vượt qua khó khăn và cuối cùng đạt được những mục đích tốt đẹp trong cuộc sống. Bài này đòi hỏi vận động viên có sức khỏe tốt, phản xạ nhanh, can đảm và phải tập luyện từ 3 - 5 năm mới hoàn thành. Khi múa, các vũ công phải đúng tư thế cùng bộ pháp. Với các cọc có khoảng cách khác nhau buộc người múa phải liên tục đổi bộ pháp, một sơ sót cũng phải trả giá dù họ có đẳng cấp cao trong nghề.

Anh Nguyễn Quang Bảo, vũ công đoàn lân Hằng Anh Đường chia sẻ: “Tôi đã có 12 năm trong nghề với tất cả niềm đam mê của mình. Nghệ thuật múa lân không quá khó nhưng đòi hỏi bạn phải có một sự tập trung, dẻo dai và kiên nhẫn. Có khi chỉ một động tác tôi phải tập 1-2 tháng trời, nhanh thì cũng 1-2 tuần. Thách thức lớn là phải vượt qua các bài kiểm tra của huấn luyện viên vì sau bài kiểm tra từ một lớp có 100 học viên sẽ chỉ còn lại 10 học viên có đủ năng khiếu và kỹ năng tốt. Điều quan trọng khi múa lân, bạn phải biểu diễn bằng cái tâm của mình thì thần khí của lân mới được lột tả hết”.

Những người “giữ lửa”

Nổi bật hơn cả trong lĩnh vực này là đoàn lân - sư - rồng Hằng Anh Đường do Nghệ nhân ưu tú Lương Tấn Hằng làm trưởng đoàn. Hơn 30 năm qua, ông đã dìu dắt và tiếp nhận hơn 3.000 học viên có xuất thân đặc biệt, dạy họ học múa với mong muốn trao cho họ cơ hội được sống tốt đẹp hơn. Từ những người chỉ biết ngập tràn trong men say, cờ bạc qua sự dạy dỗ của Nghệ nhân ưu tú Lương Tấn Hằng lại trở thành những con người có ích cho xã hội, sống hết mình với nghệ thuật múa lân.

Cách ông cảm hóa được học trò chính là ở tấm lòng chân thành và quan niệm ai cũng cần phải học cách sống độc lập, phải uống nước nhớ nguồn; kinh tế, tinh thần tuy không bằng người khác nhưng mình cứ dùng sự nỗ lực cùng thực lực của bản thân thì khó khăn nào cũng vượt qua được. Những vũ công múa ở đây học võ từng ngày, duy nhất chỉ ông dạy múa lân với hơn mấy trăm con người. Ông kể, những người múa thể loại nghệ thuật này cực kỳ nóng tính nên đa phần vừa dạy múa ông còn dạy họ học cách kiềm chế cảm xúc, làm dịu đi những ức chế. Vì nếu không, nóng nảy quá sẽ dẫn tới chấn thương khi biểu diễn. Những người có hoàn cảnh đặc biệt ấy lại một lòng quyết tâm theo nghệ thuật, mà cả đời họ cũng không nghĩ rằng họ sẽ dùng đôi tay để “vẽ rồng”.

Theo ông, những năm gần đây, các đoàn lân của Việt Nam đều được mời sang Malaysia, Singapore biểu diễn. Trung bình một năm, đoàn lân - sư - rồng Hằng Anh Đường biểu diễn 150 - 200 suất, ngày thường cũng 3 - 4 suất. Như thù lao của tiết mục Lân lên mai hoa thung tầm 20 - 30 triệu đồng, các vũ công nhờ vậy mà mỗi lần diễn cũng được 200.000 - 300.000 đồng chứ không như những năm 2000, số tiền sau khi diễn được tích góp dành dụm đến cuối tháng chi trả một ít cho diễn viên. Ngoài ra, qua mỗi năm Nghệ nhân ưu tú Lương Tấn Hằng còn sáng tạo ra các tiết mục mới, thêm vài động tác; đầu tư trên 1 tỷ đồng cho những con lân vì theo ông, khán giả bây giờ không thích sự lặp lại những cái cũ, hơn nữa chúng ta có sự đổi mới thì lẽ đương nhiên nghệ thuật múa lân sẽ ngày càng thu hút và phát triển mạnh mẽ hơn.

Hy vọng trong những năm kế tiếp, múa lân ở Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, giành được giải cao trong các giải đấu quốc tế cũng như ngày càng có nhiều người thầy tận tụy với nghiệp múa lân như Nghệ nhân ưu tú Lương Tấn Hằng để truyền dạy cho các bạn trẻ đam mê kế tục.

THU HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục