Chạy đua cung ứng hàng tết

Những ngày này, các làng nghề ở ĐBSCL tất bật sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ Tết Quý Tỵ 2013. Cùng với sản xuất, vấn đề quản lý giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm đang được quan tâm.
Chạy đua cung ứng hàng tết

Những ngày này, các làng nghề ở ĐBSCL tất bật sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ Tết Quý Tỵ 2013. Cùng với sản xuất, vấn đề quản lý giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm đang được quan tâm.

  • Bung hàng kinh doanh dịp tết

Nhiều ngày nay làng nem đặc sản Lai Vung (Đồng Tháp) phải tăng ca sản xuất để cung ứng sản phẩm cho thị trường. Ông Nguyễn Thành Thơ, chủ cơ sở sản xuất nem Giáo Thơ, xã Tân Thành, huyện Lai Vung cho biết, làng nem hoạt động quanh năm nhưng tết vẫn là mùa sản xuất chính. Nem Lai Vung nổi tiếng nhiều năm, được người tiêu dùng xa gần ưa chuộng, nhất là dịp tết… vì vậy phải tăng cường sản xuất để kịp giao hàng. Giá nem cung ứng dịp tết vẫn giữ như ngày thường là 12.000 đồng/chục nem nhỏ; 14.000 đồng/chục nem loại vừa và 20.000 đồng/chục nem lớn… Tuần giáp tết là thời điểm đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ tết.

Cũng tất bật vào vụ tết, ông Dương Tiến Hải, chủ cơ sở chế biến tôm cá khô đặc sản Tiến Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho hay, lúc đầu do dự báo tình hình kinh tế chung còn khó khăn có thể ảnh hưởng đến sức mua nên dè chừng không dám sản xuất nhiều. Song, càng đến gần tết nhu cầu tăng mạnh, buộc phải đẩy mạnh sản xuất.

Hiện giá tôm khô loại 1 dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg; tôm đất nguyên vỏ giá 500.000 đồng/kg; khô cá khoai giá 400.000 đồng/kg; khô cá kèo khoảng 350.000 đồng/kg; tôm tẩm gia vị từ 550.000 - 600.000 đồng/kg…, bình quân tăng 10% - 30% so với năm ngoái. Hơn 10 tấn tôm, cá khô các loại được cơ sở Tiến Hải cung ứng ra thị trường dịp tết 2013.

Hoa kiểng đổ về Bến Ninh Kiều - Cần Thơ phục vụ thị trường tết.

Hoa kiểng đổ về Bến Ninh Kiều - Cần Thơ phục vụ thị trường tết.

Bánh tét cũng là sản phẩm được ưa chuộng dịp tết, vì vậy các cơ sở sản xuất bánh tét ở ĐBSCL đang tất bật vào vụ. Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở bánh tét Trà Cuôn Hai Lý ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thông báo: “Đơn hàng đang về tới tấp buộc phải tăng cường sản xuất từ nay cho đến ngày giáp tết. Năm nay ngoài khách hàng ở Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, TPHCM thì ở Đồng Nai, Khánh Hòa… cũng gọi điện đặt hàng mua bánh tét. Dù đơn hàng nhiều, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng… nhưng giá bán bánh tét Trà Cuôn dịp tết vẫn giữ ở mức 50.000 - 60.000 đồng/đòn, loại 900g”.

Theo nhận định của Sở Công thương các tỉnh ĐBSCL, từ nay đến Tết Quý Tỵ nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm của các làng nghề tiếp tục tăng, nhất là những sản phẩm có thương hiệu. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải kiềm chế giá cả và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Tạ Văn Hội, Bí thư Huyện ủy Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, sau khi nem Lai Vung lọt vào tốp những đặc sản nổi tiếng Việt Nam thì thị trường tiêu thụ rộng hơn. Song, quan điểm của huyện là đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là dịp tết. Theo đó, những cơ sở nhỏ được thu gom lại làm “vệ tinh” cho các cơ sở sản xuất lớn, được đầu tư bài bản về thiết bị, máy móc, tay nghề, đầu ra sản phẩm đảm bảo an toàn.

  • Đặc sản tết xuất ngoại

Tại Bến Tre, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cũng tiêu thụ mạnh trong dịp tết. Từ khi có thương hiệu, bánh tráng Mỹ Lồng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã vào được các thị trường Canada, Hoa Kỳ, Australia… Dân làng nghề dù cực nhọc nhưng vui vì sản phẩm ngày càng được tin dùng, thị trường ngày một vươn xa.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, chủ lò bánh quy mô lớn ở Mỹ Lồng cho biết, càng gần đến tết mỗi ngày cơ sở phải sản xuất từ 1.500 - 2.000 cái bánh tráng các loại nhưng không đủ cung cấp. Không chỉ trong nước mà Việt kiều ở nước ngoài cũng đặt mua. Khách hàng càng nhiều thì làng nghề càng ý thức việc đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, giá bán dịp tết cũng ổn định từ 30.000 - 40.000 đồng/chục. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh văn phòng UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, toàn làng nghề có hơn 160 hộ hoạt động. Xã phối hợp cùng các ngành chức năng yêu cầu các cơ sở không tự ý nâng giá và chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu.

Lạp xưởng đặc sản ở Sóc Trăng cung ứng dịp tết. Ảnh: N. DUY

Lạp xưởng đặc sản ở Sóc Trăng cung ứng dịp tết. Ảnh: N. DUY

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh cho biết, hầu hết các làng nghề sản xuất hàng đặc sản dịp tết hoạt động rất tốt, nhờ tín hiệu tiêu thụ mạnh lên. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng nhờ các cơ sở đầu tư đổi mới thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất. Các ngành chức năng Trà Vinh đang kiểm soát chặt, tránh việc “sốt” giá hoặc làm hàng kém chất lượng. Ông Phan Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đánh giá, sức mua từ nay

đến Tết Quý Tỵ sẽ tăng cao. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngành chức năng An Giang đã thành lập 12 đoàn kiểm tra về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả… thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ đạo các sở ngành chức năng và UBND các huyện, thị kiểm soát chặt hàng hóa phục vụ tết, đảm bảo về số lượng, chất lượng, giá cả… để mọi người dân vui xuân đón tết. 

HUỲNH LỢI - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục