Chạy đua IT

Hoạt động của tình báo Mỹ gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Mỹ cam kết sẽ kiểm soát Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) (tâm điểm của xì căng đan gián điệp) và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), nhưng dường như chẳng có ai tin tưởng vào hứa hẹn của Mỹ. Các nước là nạn nhân của hoạt động gián điệp Mỹ đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ bí mật quốc gia của họ. Chính phủ Brazil đang cân nhắc về việc lắp đặt một sợi cáp quang nối trực tiếp đến châu Âu để tránh phải kết nối internet thông qua Mỹ.

Hoạt động của tình báo Mỹ gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Mỹ cam kết sẽ kiểm soát Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) (tâm điểm của xì căng đan gián điệp) và Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), nhưng dường như chẳng có ai tin tưởng vào hứa hẹn của Mỹ. Các nước là nạn nhân của hoạt động gián điệp Mỹ đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ bí mật quốc gia của họ. Chính phủ Brazil đang cân nhắc về việc lắp đặt một sợi cáp quang nối trực tiếp đến châu Âu để tránh phải kết nối internet thông qua Mỹ.

Trước đó, Brazil tuyên bố sẽ phát triển một hệ thống email để tăng cường bảo mật, tránh bị do thám. Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer cho hay sẽ sớm ứng dụng công nghệ mới để đảm bảo bảo mật thông tin của chính phủ trong bối cảnh Mỹ tiến hành do thám toàn cầu. Trong khi đó, các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) dự định lập ra không gian mạng riêng, tương tự như internet nhưng không phụ thuộc vào hệ thống của Mỹ…

Quan chức Liên minh châu Âu (EU) bị cấm sử dụng điện thoại di động trong các phiên họp kín hoặc sử dụng điện thoại loại đặc biệt mã hóa chức năng cuộc gọi. Bộ trưởng ngoại giao các nước Nam Mỹ quyết định hợp tác về cả chính sách lẫn công nghệ để đối phó với hoạt động gián điệp điện tử…. Anatoly Korobkov-Zemlyansky, thành viên Ủy ban Xã hội Nga về khoa học và ứng dụng, cho rằng một khoản đầu tư không nhỏ sẽ được chính phủ nhiều nước trên thế giới dành cho phát triển hệ thống an ninh, các thuật toán mới về mã hóa, chuyển tập tin trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia, việc không ít quốc gia khẩn trương triển khai công nghệ cao là một trong các hệ quả của vụ bê bối gián điệp được cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ. Điều này có nhiều khả năng sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua IT (công nghệ thông tin) trên toàn cầu. Các công ty phát triển phần mềm sẽ thu lợi hàng tỷ USD để xây dựng giải pháp chống gián điệp cũng như các phương tiện đánh cắp thông tin mới.

Lịch sử đã cho thấy trong những năm 80 của thế kỷ trước, thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, cải thiện hệ thống tên lửa và sáng kiến chiến lược Quốc phòng của Mỹ đã đẩy thế giới vào cuộc cách mạng kỹ thuật số. Vì vậy, không loại trừ scandal gián điệp sẽ là chất xúc tác cho cuộc chạy đua mới về phát triển trong lĩnh vực IT. Các thiết bị sinh ra trong phòng thí nghiệm của các cơ quan đặc vụ chắc chắn sẽ xuất hiện trên thị trường dân sự.

Andrei Masalovich, Chủ tịch Tập đoàn InfoRus chuyên về dịch vụ phần mềm của Nga, cho biết việc chạy đua sẽ dẫn đến gia tăng đáng kể chi phí cho phương tiện gián điệp, IT. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, khi mà ngân sách sẽ bị cắt xén dồn cho chạy đua IT. Hơn nữa, về nguyên tắc, không thể chống gián điệp điện tử một cách toàn diện và triệt để. Bất kỳ thông tin cung cấp ở dạng điện tử nào cũng có thể bị đánh cắp bởi tin tặc. Vì vậy, các nước sẽ luôn phải ở trong tình trạng”chạy đua” để tìm ra các loại công nghệ tiên tiến hơn để giảm thiểu khả năng bị do thám hoặc để đi do thám đối thủ. Do đó, phát triển công nghệ không phải là câu trả lời để chống lại việc do thám lẫn nhau. Chỉ khi nào cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận về khung pháp lý chung mới mong giải quyết triệt để vấn đề đang gây nhiều tranh cãi này.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục